26 C
Hanoi
03/05/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

CPI Trung Quốc tăng 0%

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (10/7), chỉ số CPI tăng 0% so với cùng kỳ năm ngoái – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được bán bởi nhà sản xuất, của Trung Quốc đã đánh dấu giảm tháng thứ 9 liên tiếp khi PPI tháng 6 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn so với dự báo trước đó rằng chỉ số này sẽ giảm 5%. Chỉ số này cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015. Chỉ số PPI của Trung Quốc trong tháng 5 có mức giảm nhẹ hơn khi giảm 4,6%.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 gần như chỉ bằng 0, trong khi tháng 5 tăng 0,2%. Đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2021 và không đạt được mức tăng dự kiến đạt 0,2% như trong một cuộc thăm dò các nhà phân tích của Reuters. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng CPI khoảng 3% cho năm 2023.

Cả hai chỉ số này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu. Nỗi lo ngại về giảm phát đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Michelle Lam, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Societe Generale, nhận định: “Những dữ liệu hôm nay chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ về việc nới lỏng chính sách hơn nữa. Hiện họ vẫn đang kích thích kinh tế, nhưng chừng đó là chưa đủ”.

Từ nhiều tháng nay, các nhà sản xuất đã phải đối mặt với tình trạng giá hàng hóa giảm xuống trong khi lực cầu ở cả trong nước và nước ngoài đều yếu. Nếu người tiêu dùng và các doanh nghiệp tiếp tục trì hoãn chi tiêu và đầu tư vì hi vọng giá sẽ giảm xuống sâu hơn nữa, cuối cùng nền kinh tế sẽ chìm trong giảm phát sâu.

Một trong những yếu tố lớn nhất khiến CPI tăng 0% trong tháng trước là giá thịt lợn. Là thực phẩm chủ chốt trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình Trung Quốc, trong tháng 6 giá của loại thịt này đã giảm 7,2% so với 1 năm trước. Trong tháng 5, giá thịt lợn cũng giảm 3,2%.

Ảnh minh họa

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đặt mức sàn cho giá thịt lợn nhằm hạn chế đà lao dốc. Tuần trước, nước này cho biết sẽ mua thêm thịt lợn để dự trữ nhằm thúc đẩy nhu cầu.

Giảm phát giá sản xuất được thúc đẩy bởi sự sụt giảm kéo dài của giá cả hàng hóa quốc tế. Nhà thống kê Dong Lijuan của NBS cho biết, chi phí dầu và than tiếp tục giảm, một phần do mức nền cao của năm ngoái.

“Chỉ số giá tiêu dùng bằng 0, còn giá sản xuất giảm sâu hơn trong tháng 6 cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang mất dần động lực. Đà giảm giá là dấu hiệu của nhu cầu yếu cũng làm mờ đi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế”, David Qu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận xét. “Nhu cầu kích thích nhiều hơn từ Ngân hàng Trung ương đang tăng lên”.

Có nhiều lời kêu gọi Bắc Kinh hành động để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng hầu hết biện pháp cho đến nay đều bị hạn chế về phạm vi. Ngân hàng Trung ương đã giảm một lượng nhỏ lãi suất điều hành vào tháng trước và chính phủ đã gia hạn việc giảm thuế cho người mua ôtô điện.

Thủ tướng Lý Cường tuần trước đã có cuộc nói chuyện với một số nhà kinh tế Trung Quốc về khả năng tăng cường kích thích kinh tế, mặc dù ông nhấn mạnh rằng các chính sách sẽ “có mục tiêu, toàn diện và phối hợp tốt” – củng cố nhận định rằng gói kích thích sẽ không ở quy mô lớn. Một yếu tố hạn chế là gánh nặng nợ nần cao của chính quyền địa phương. Nguồn lực này trước đó thường là động lực tăng trưởng khi tạo ra chi tiêu nhiều hơn.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....