26 C
Hanoi
05/05/2024
Image default
Kinh nghiệm Vàng

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phải đảm bảo cung cầu và giá vàng hợp lý

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.

Trong cuộc họp, một trong nhiều nội dung được Ban Chỉ đạo điều hành giá thảo luận là giá cả những mặt hàng đặc biệt như vàng miếng, nhà chung cư.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, trung thực, thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng.

Trước mắt, NHNN phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Về lâu dài, cơ quan này cần sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để có cơ chế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ảnh minh họa

Báo cáo trước đó tại cuộc họp, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết chênh lệch giá trong nước và thế giới xuất hiện gần đây chủ yếu là vàng miếng SJC. Còn nhẫn trơn biến động cùng chiều với thế giới.

Theo ông Hà, vàng không phải là mặt hàng bình ổn, nên cơ quan quản lý chủ yếu can thiệp xử lý chênh lệch về giá. “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo sát thị trường, xử lý tình trạng chênh này”, ông Hà nói.

Thực tế, chênh lệch giá kim loại quý vừa qua do mất cân đối cung cầu mặt hàng này. Từ 2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng để kiểm soát chặt nguồn cung, theo Nghị định 24. Nhưng suốt 11 năm, nhà điều hành không đấu thầu, tăng cung trên thị trường.

Hôm qua, phiên đấu thầu đầu tiên sau 11 năm được tổ chức, nhưng chỉ hai đơn vị trong số 11 doanh nghiệp tham gia trả giá. Họ trúng thầu 3.400 lượng, còn lại 13.400 lượng bị “ế”. Theo giới phân tích, diễn biến này là do nhiều doanh nghiệp ngại rủi ro khi phải chi số tiền lớn nếu mua nhưng giá kém hấp dẫn.

Ngày mai 25/4, phiên đấu thầu thứ hai được NHNN tổ chức, với 16.800 lượng đem ra mời thầu.

Giới kinh doanh cho rằng hiệu quả đấu thầu vàng cần quan sát dài hạn. Song, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung cầu, kéo giảm chênh lệch giá chỉ là giải pháp nhất thời. Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý phải có giải pháp đồng bộ, gồm sớm sửa Nghị định 24.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....