30 C
Hanoi
26/04/2024
Image default
Chứng khoán Chứng khoán Việt Nam Tin mới nhất

Nhận định TTCK: Chưa vội bắt đáy, có thể áp dụng chiến lược đứng ngoài quan sát

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống 1.243,51 điểm. HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm (-3,27%) xuống 82,55 điểm.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa” và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Áp lực bán diễn ra ở khắp các nhóm ngành và việc khối ngoại quay trở lại bán ròng đã khiến thị trường giảm mạnh.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 60 mã tăng/346 mã giảm, ở rổ VN30 có 1 mã tăng và 29 mã giảm. Thanh khoản thị trường đã tăng so với phiên cuối tuần qua với giá trị khớp lệnh đạt hơn 20.047 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi bán ròng trở lại với giá trị khớp lệnh gần 105 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 20/7:

Công ty Chứng khoán MB (MBS): Nhà đầu tư đừng vội bắt đáy

Phiên ngày 19/7 là phiên giảm thứ 7 trong 11 phiền gần nhất. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, thị trường đã có 3 phiên giảm gần 4%, nghĩa là phần lớn các cổ phiếu đều giảm gần giá sàn. Điều đó cho thấy quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động.

Về kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ gần như không đủ tin cậy khi áp lực bán với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có dấu hiệu lệnh cân đối ứng tương xứng, quá trình tìm vùng hỗ trợ mới có thể còn tiếp diễn trong các phiên ở tuần này. Do vậy nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, chiến lược đứng ngoài quan sát cũng có thể được áp dụng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Tạm ngưng bán tháo

VN-Index quay trở lại nhịp giảm sau vài phiên hồi phục nhẹ và thăm dò cung cầu. Thanh khoản khớp lệnh trở lại mức trung bình 50 phiên, cho thấy áp lực bán gia tăng trở lại sau vài phiên hạ nhiệt. Điều này cho thấy đà giảm của chỉ số vẫn còn.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ 1.205 điểm đang là mức hỗ trợ mạnh đối với VN-Index trong ngắn hạn. Có khả năng dòng tiền “bắt đáy” sẽ tăng đáng kể khi chỉ số lùi về gần mức hỗ trợ này và có thể sẽ giúp thị trường phục hồi trở lại.

Do vậy, nhà đầu tư nên tạm ngưng “bán tháo” và có thể xem xét tích lũy cổ phiếu tốt khi thị trường lùi về gần vùng hỗ trợ mạnh 1.205 điểm.

Chứng khoán Yuata Việt Nam (YSVN): Tiếp tục đà giảm

YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và VN-Index có khả năng sẽ thử thách mức hỗ trợ 1.210 điểm. Đồng thời, các chỉ số đã giảm sâu vào vùng quá bán và nếu các chỉ số hồi phục trở lại hoặc thu hẹp đà giảm thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần và xác suất hình thành vùng đáy được đánh giá cao.

Hiện nay, dịch bệnh đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường và gây ra các biến động mạnh khó lường, nhưng mức định giá hấp dẫn và các dấu hiệu xác lập vùng đáy ngắn hạn đang hình thành, cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC): Giảm điểm trong phiên sáng

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với việc thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, áp lực giải chấp có thể khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.230 – 1.240 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.210 – 1.220 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....