Ngân sách hạn chế khiến nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, giá chung cư gấp 20-35 lần thu nhập, đây được xem là nguyên nhân chính khiến người có thu nhập rất khó tiếp cận loại hình căn hộ này
Vì sao khó mua nhà ở các Thành phố?
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nguồn cung nhà hiện tại chủ yếu từ chung cư và nhà tự xây. Với nhà tự xây, giá cả đắt đỏ để sở hữu đất và chi phí xây dựng lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến người có thu nhập thấp, trung bình rất khó tiếp cận.
Với căn hộ chung cư, giá bán ngày càng tăng lên so với thu nhập trung bình của người dân.
Theo HoREA, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư… Thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng.
HoREA đánh giá đây là số lượng có nhu cầu mùa nhà đông đảo, trong khi thu nhập lại quá thấp so với giá nhà. Cụ thể, giá chung cư tại TP.HCM đang cao gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Thu nhập bình quân của người TP.HCM năm 2018 là khoảng 6.000 USD/năm (khoảng 140 triệu đồng). Trong khi đó, giá căn hộ chung cư phổ biến ở mức 3-4 tỷ đồng/căn.
HoREA cho biết ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân. Tại TP.HCM, người thu nhập thấp có thể để dành đến 40-50% thu nhập hàng tháng để chi trả nếu mua nhà (cao hơn mức bình quân 20-30% của thế giới).
WB còn chỉ ra việc mất cân đối nguồn cung các căn hộ với đối tượng thu nhập trung bình, thấp tại các thành phố lớn. Hiện tại, nhu cầu về căn hộ khoảng 15-20 triệu đồng/m2 khá lớn, tuy nhiên số lượng cung ứng ra thị trường lại rất ít.
Rất cần có những chính sách lớn
Hiện nay, nút thắt lớn nhất chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… nhưng lại quy định lợi nhuận từ nhà ở xã hội chỉ được tối đa là 10%.
Hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Đó là chưa kể, nhà ở cho người thu nhập thấp lại ở xa trung tâm, tính kết nối giao thông, giao thương không thuận lợi nên khó thu hút.
Một số rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở được HoREA chỉ ra rằng, thị trường hiện đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu NƠXH; thiếu nhà cho thuê giá thấp.
Về phía Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã ngừng triển khai từ lâu.
Trao đổi với TBKT, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chia sẻ: khi khảo sát tại địa phương, thấy nhu cầu về NƠXH rất lớn nhưng triển khai chậm, nhiều bất cập, khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn này, trong đó có một phần là từ chính sách. “Chính sách cần đi vào thực tiễn hơn, tôi cho rằng việc phát triển NƠXH đang có vấn đề. Nhưng muốn để thị trường phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn thì cần đẩy phân khúc NƠXH mạnh mẽ hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Chính phủ và Bộ Xây dựng nhận định chính sách với bất động sản không thiếu, nhưng với phân khúc NƠXH, phát triển NƠXH tại Việt Nam có 2 vấn đề khó khăn.
Thứ nhất là khó khăn về nguồn vốn. Trong Luật Nhà ở quy định Nhà nước dành lượng vốn nhất định cho vấn đề NƠXH. Giai đoạn có nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã làm tốt, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất tăng thêm nguồn vốn vài nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Thứ hai là trong triển khai thực hiện tại địa phương, có địa phương quan tâm nhưng có địa phương dường như thờ ơ, có đất nhưng không làm. Bên cạnh đó, có địa phương chọn địa điểm xây dựng NƠXH không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án nhưng không có nhiều người về ở.
Để đẩy mạnh phát triển NƠXH, báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội cũng nêu các giải pháp như đề xuất bổ sung vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng NƠXH.
Đồng quan điểm, trao đổi Zing, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng rất cần có những chính sách lớn từ phía Nhà nước, để điều chỉnh thị trường.
Theo ông Đính, trước hết cần có chính sách tốt để khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia xây dựng nhà ở phân khúc giá rẻ, trung bình, vừa túi tiền, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp. Đó có thể là chính sách giảm thuế sử dụng đất; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; đặc cách sử dụng quỹ đất đẹp vì mục đích phát triển dự án vì cộng đồng…
Ông nhấn mạnh phải tạo cho doanh nghiệp cơ hội đầu tư vào nhà ở xã hội, giá rẻ có lợi nhuận và cơ chế thông thoáng bởi đây vốn thường coi là lĩnh vực khó, trong khi lợi nhuận không cao.
Chuyên gia bất động sản cũng cho rằng có sự đồng hành của các ngân hàng thương mại với các gói tín dụng hợp lý dành cho người mua nhà. Nhà nước có thể khuyến khích các quỹ tín thác, quỹ tín dụng về nhà ở… như cách mà các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng thành công, để người dân giải được bài toàn tài chính.
Giavang.net tổng hợp