31 C
Hanoi
19/04/2024
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Thụy Điển và Phần Lan chính thức khởi động tiến trình gia nhập NATO

Ngày 4/7, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde và người đồng cấp Phần Lan Pekka Haavisto đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính thức khởi động tiến trình gia nhập liên minh quân sự này.

“Phần Lan và Thụy Điển đã hoàn tất cuộc đàm phán đầu tiên để gia nhập NATO hôm 4/7. Quá trình này diễn ra theo thỏa thuận tuần trước của các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid từ ngày 25-30/6. Cả hai nước chính thức xác nhận sẵn sàng gia nhập”, thông cáo của NATO cho hay.

“Sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán, các đồng minh sẽ ký Nghị định thư gia nhập cho Phần Lan và Thụy Điển tại Trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) vào 5/7/2022. Nghị định thư gia nhập sau đó sẽ được gửi tới tất cả các nước NATO để phê chuẩn theo thủ tục quốc gia mỗi nước thành viên”, thông cáo của NATO giải thích.

Phần Lan và Thụy Điển ngày 18/5 nộp đơn xin gia nhập NATO. Đáng lẽ, họ sẽ nhận được lời mời tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Madrid của khối. Tuy nhiên, quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn tiến trình này bởi theo quy định, đơn đăng ký của quốc gia ứng viên gia nhập NATO phải được tất cả các thành viên chấp thuận và quốc hội của từng nước phê chuẩn.

Các cuộc đàm phán này có thể trở thành hiện thực nhờ việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại ý kiến phản đối trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước.

Đại sứ từ 30 nước thành viên NATO dự kiến sẽ ký nghị định thư gia nhập đối với Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 5/7, qua đó khởi động quá trình phê chuẩn dự kiến kéo dài nhiều tháng. Hai nước Bắc Âu cần nhận được sự chấp thuận của cả 30 quốc gia trên để có thể trở thành thành viên của khối.

Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2, Thụy Điển và Phần Lan cùng bày tỏ mong muốn đảo ngược chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ để gia nhập NATO.

Dù vậy, ban đầu, quá trình gia nhập của hai quốc gia này bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Ankara cáo buộc Stockholm và Helsinki có quan hệ với các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố, cũng như yêu cầu hai nước Bắc Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sau khi nước này tấn công vào lãnh thổ Syria năm 2019.

Bất chấp việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã rút lại sự phản đối sau cuộc gặp với lãnh đạo Thụy Điển, Phần Lan và tổng thư ký NATO, ông vẫn tuyên bố có thể ngăn hai quốc gia này gia nhập khối nếu họ không thực thi thỏa thuận với Ankara.

“Nếu họ hoàn thành các nghĩa vụ, chúng tôi sẽ gửi (lá đơn gia nhập của hai nước – PV) cho quốc hội (để phê chuẩn)”, ông Erdogan nói với báo giới hôm 30/6. “Nếu không, điều này hoàn toàn không có khả năng xảy ra”.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....