29 C
Hanoi
26/04/2024
Image default
Tiền ảo Tin mới nhất

Sớm đưa tiền ảo vào khuôn khổ pháp lý

Bất chấp những cảnh báo rủi ro từ tiền ảo, không ít nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn tin vào những lời chào mời khiến “tiền mất tật mang”. Để xử lý dứt điểm, đưa tiền ảo vào khuôn khổ pháp lý là giải pháp cấp bách hiện nay.

Tiền mất giá, nhà đầu tư mất tiền

Trong lần giao dịch gần đây, đồng Bitcoin trên sàn CoinMarketCap chỉ còn hơn 19.770 USD. Trước đó, đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới này còn chạm đáy 19.636 USD. 

Cùng xu hướng đó, các đồng tiền ảo khác cũng tiếp đà giảm như BNB, XRP, Cardano…

Không những thế, nhiều nhà đầu tư tiền ảo trên thế giới vừa qua đã “mất trắng” cả tỷ USD từ những cuộc tấn công mạng.

Một báo cáo của trang tin Bankless Times thông tin, các nhà đầu tư tiền ảo tại các sàn của Mỹ đã mất khoảng 185 triệu USD từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022 do các vụ ăn cắp tiền và tổng cộng hơn 1 tỷ USD do các hoạt động gian lận khác.

Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số vụ lừa đảo tiền ảo tại Hồng Kông đã tăng đáng báo động so với cùng kỳ năm 2021, tới 105%.

Dù giao dịch sôi động ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam như Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tiền ảo Bitcoin hay các loại giống tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến tiền ảo và cũng đã có không ít vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo xảy ra. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2022, anh N.T.N (Thanh Hóa) được một người quen qua mạng xã hội mời tham gia mua gói dữ liệu của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Fashinn với lợi nhuận cam kết gấp hàng chục lần vốn đầu tư.

Khi tham gia vào nhóm của sàn này, thấy nhà đầu tư nào cũng chia sẻ lãi lớn nên anh nộp 500 nghìn đồng vào tài khoản để chơi. Ngay trong lần đầu đặt lệnh, anh đã thắng gấp đôi và rút về tài khoản được hơn 1 triệu đồng.

Sau đó, anh N.T.N quyết định tham gia gói dữ liệu trị giá 30 triệu đồng, sau vài ngày số tiền trong tài khoản tăng lên 450 triệu đồng. Tuy nhiên lần này, muốn rút tiền anh phải đóng phí chuyển nhanh 24/7 với tổng số tiền hơn 41 triệu đồng và đóng thêm hơn 25 triệu đồng phí bảo hiểm. Nhưng sau các lần đóng tiền, anh được sàn thông báo thông tin cá nhân nhập bị sai và yêu cầu phải đóng hơn 40 triệu đồng nữa để sửa phần mềm hệ thống. Lúc này anh mới chắc chắn mình đã bị lừa.

Sớm đưa tiền ảo vào khuôn khổ

“Đọc vị” các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tiền ảo, một chuyên gia cho biết có 3 cách thức chính.

Thứ nhất, kinh doanh đa cấp tiền ảo là một trong những biến tướng gây nhức nhối nhất hiện nay. Các đối tượng lừa đảo thường chào mời trên các nhóm môi giới đầu tư trên mạng xã hội, xây dựng hình tượng giàu có để lấy niềm tin và kêu gọi vốn với lời hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận cao lên đến 50% khi đầu tư vào tiền điện tử…

Thứ hai, các đối tượng còn lừa đảo đầu tư tiền ảo thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân. Sau khi thu hút được lượng lớn người đầu tư, các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch để chiếm đoạt tiền.

Thứ ba, đối tượng lừa đảo thường giả danh là giám đốc của các dự án tiền ảo lớn để yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào ví nhận lãi cao, sau đó sẽ thông báo hệ thống lỗi, nạn nhân cũng không nhận được tiền lãi như đã hứa và mất trắng số tiền đầu tư.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, đa số nạn nhân sập bẫy tiền ảo, đa cấp đều do lòng tham, muốn làm giàu nhanh, các sàn tiền ảo lại chủ yếu thành lập ở nước ngoài, muốn xử lý cũng không đơn giản. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền, tham nhũng, khủng bố…

Trong một báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an cho biết, các thủ đoạn lừa đảo trên mạng tuy không mới song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi bật thông qua các kênh như tiền ảo, chứng khoán, forex. Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Để ngăn chặn các hành vi lừa đảo liên quan đến tiền ảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời đối với các ngân hàng thực hiện các giao dịch, đảm bảo không xảy ra rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch. Các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc là gian lận trốn thuế.

Đặc biệt, NHNN cũng đang tiến hành dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền quốc tế đã đặt ra vấn đề các quốc gia cần quan tâm đến tài sản, sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý chặt chẽ, không bị lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các hoạt động phi pháp khác…

Trong việc sửa luật, NHNN đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung của Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, trên cơ sở quy định khung này sẽ có những quy định cụ thể cho các sản phẩm tài chính hiện nay sử dụng công nghệ như Bitcoin, tiền ảo…

Theo Thời báo ngân hàng

Tin liên quan

Đang tải....