Theo thống kê của Worldometers, tính đến sáng sớm 4/1 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 85,5 triệu người, trong đó hơn 1,8 triệu trường hợp tử vong.
Mỹ nguy cơ sụp hệ thống y tế vì Covid-19
Theo CNN, tính trung bình, số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ suốt hơn 1 tháng qua đều vượt quá 100.000 người, đe dọa dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, đặc biệt là sau các kỳ nghỉ lễ khi nhiều người dân lơ là các chỉ dẫn giãn cách xã hội, các kỳ nghỉ lễ dẫn tới các cuộc tụ tập, và nhiều người đã cảm thấy mệt mỏi với các biện pháp hạn chế.
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu mọi người không chung tay hành động, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Quan chức này cho biết thêm, hiện rất khó để nói biến thể virus lây lan nhanh hơn đã phát tán khắp xứ sở cờ hoa hay chưa khi ngày càng có nhiều ca nhiễm được phát hiện ở các bang Colorado, California và Florida.
Sáng 3/1, ông Trump viết trên Twitter rằng, xứ sở cờ hoa ghi nhận số ca tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác vì việc xét nghiệm kiểm dịch tốt hơn. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh ABC, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia kiêm cố vấn hàng đầu về virus corona của Nhà Trắng bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của lãnh đạo Nhà Trắng.
“Tất cả những gì ngài cần làm là đi tới các nơi đào huyệt mộ, đến các bệnh viện, xem các nhân viên y tế đang giải quyết những gì. Họ đang phải chịu những tình huống rất căng thẳng ở nhiều khu vực của đất nước. Các giường bệnh cần lắp đặt thêm, chúng ta đang hết sạch giường bệnh, cạn kiệt nhân sự y tế đã qua đào tạo và họ cũng đang kiệt sức”, ông Fauci nhấn mạnh.
Chuyên gia Anh cảnh báo nguy cơ biến thể Covid-19 ở Nam Phi kháng vắc xin
Giáo sư y khoa John Bell của trường ĐH Oxford (Anh) chia sẻ ông có “linh cảm” các loại vắc xin đang được sử dụng hiện nay có thể hiệu quả đối với biến thể virus ở Anh. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Tôi không chắc về chủng ở Nam Phi. Tôi nghĩ đây là một dấu hỏi lớn”.
Trả lời phỏng vấn đài Times Radio, ông Bell nói ông cảm thấy lo ngại về chủng virus ở Nam Phi hơn so với chủng ở Anh “ở 1 số khía cạnh”. “Các đột biến liên quan đến chủng ở Nam Phi thực sự là những thay đổi khá lớn trong cấu trúc của protein, cho phép các kháng thể bám vào virus” – trích lời giáo sư.
Khi được hỏi liệu các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay có khả năng đối phó với biến thể virus mới ở Anh và Nam Phi hay không, ông Bell nói nhóm nghiên cứu của trường ĐH Oxford đang đánh giá việc này và vẫn còn “cơ hội để hành động” vì vắc xin có hiệu quả “tốt hơn nhiều so với dự đoán”.
“Theo tôi, chưa chắc những đột biến này sẽ làm mất tác dụng của vắc-xin hoàn toàn. Tôi nghĩ chúng sẽ vẫn hiệu quả” – ông Bell nói và bổ sung rằng việc tạo ra vắc xin mới trong vài tuần nếu cần thiết là điều “hoàn toàn có thể”. “Có thể mất 1 tháng, hoặc 6 tuần, để điều chế vắc xin mới nên mọi người nên bình tĩnh. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tuy nhiên, đây không phải là những biến thế duy nhất mà chúng ta thấy mà sẽ còn nhiều biến thể khác” – giáo sư cảnh báo.
Tổng hợp