Tuy chưa có bằng chứng đáng kể, giới chức trách Trung Quốc vẫn khẳng định virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 có thể lây lan qua thực phẩm nhập khẩu.
Ngày 19-11, báo The Straits Times dẫn lời cơ quan y tế Trung Quốc đổ lỗi cho cá hồi nhập khẩu làm bùng phát Covid-19 tại một chợ đầu mối ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng 6 năm nay. Trung Quốc đã ghi nhận các đợt bùng phát lẻ tẻ trên cả nước, chủ yếu liên quan đến việc công nhân xử lý thực phẩm nhập khẩu theo dây chuyền lạnh ở một số thành phố cảng như Đại Liên, Thanh Đảo và Thiên Tân.
một nhóm nhà khoa học tại Trường ĐH Khoa học Y tế Shahid Beheshti và Trung tâm Nghiên cứu An toàn Thực phẩm ở Iran cũng nhấn mạnh nguy cơ từ các thực phẩm thiết yếu, bao gồm thịt, sữa, trái cây, rau và đồ ăn liền, trong việc lây lan virus SARS-CoV-2.
Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ những quốc gia bị đại dịch Covid-19 hoành hành hoặc những sản phẩm có dấu vết của virus SARS-CoV-2. Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết bằng chứng virus SARS-CoV-2 có mặt trên các sản phẩm thịt và hải sản đông lạnh nhập khẩu ngày càng nhiều.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam vẫn liên tục ghi nhận các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2. Tại nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân. Khu vực châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội.
Thời gian qua, đã xuất hiện những yếu tố lây nhiễm mới. Chẳng hạn như việc nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ vùng có dịch có thể chứa mầm bệnh, tiềm ẩn nguy cơ Covid-19 xâm nhập, tái bùng phát.
“Bộ Y tế đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, xây dựng phương án thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu; thực phẩm đông lạnh tại khu vực cửa khẩu, nhất là từ những nước có dịch. Cần phải xét nghiệm SARS-CoV-2 và kiểm soát chặt chẽ đối với các thực phẩm này vì khả năng sinh tồn của virus trên sản phẩm đông lạnh rất dài” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Liên quan yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19) trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, chiều 24-11, nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cơ quan này chưa có văn bản triển khai thực hiện công tác kiểm tra.
Do đó, theo một lãnh đạo Chi cục Thú y vùng 6 – nơi kiểm tra chuyên ngành một lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đông lạnh nhập khẩu về các tỉnh phía Nam – hiện chưa có quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các lô hàng nhập khẩu. “Trước đây, khi có thông tin Trung Quốc đã ghi nhận nhiều vụ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng đông lạnh nhập khẩu, chúng tôi đã lấy mẫu kiểm tra nhưng kết quả đều âm tính” – một lãnh đạo Chi cục Thú y vùng 6 nói.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới vào tháng 4 khẳng định “rất khó có khả năng con người có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm”. Bác sĩ Maximo Torero Cullen, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nói rằng không có bằng chứng đáng kể về việc virus SARS-CoV-2 lây lan qua thực phẩm thương mại.
Tổng hợp