27 C
Hanoi
28/04/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Dự báo PCE tối mai: Chỉ báo lạm phát ưa thích của Fed đang giảm dần, hướng đi nào cho đồng USD?

Tóm tắt

  • Dữ liệu PCE tháng 6 được kì vọng cho thấy sự suy giảm lạm phát.
  • Chỉ số chi phí việc làm trong quý II cũng dự kiến sẽ giảm tốc.
  • Cục Dự trữ Liên bang theo dõi chặt chẽ những số liệu này và thị trường kì vọng sẽ có phản ứng tức thì.

Phân tích

Thị trường đang ngày càng tin rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chấm dứt chu kì thắt chặt quyết liệt nhất lịch sử, đặc biệt là dựa trên các số liệu về lạm phát thời gian qua.

Sau cuộc họp chính sách tháng 7, Cục dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản và nhấn mạnh hành động tiếp theo của họ phụ thuộc vào dữ liệu. Chính vì thế, nhà đầu tư cần theo sát dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng CPI và Chi tiêu tiêu dùng PCE để đánh giá định hướng của Ngân hàng trung ương từ giờ tới cuối năm. Các số liệu lạm phát càng thấp/hạ nhiệt thì cơ hội Fed ngừng tăng lãi suất càng cao.

Ngày mai, nhà đầu tư sẽ cần chú ý tới hai tin tức quan trọng Chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE cốt lõi) và Chỉ số chi phí việc làm (ECI) được công bố lúc 12:30 GMT.

Lạm phát PCE lõi ảnh hưởng sâu sắc tới quyết sách của Fed

PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Fed vì nó phản ánh nhanh chóng và chính xác sở thích hay thay đổi của người tiêu dùng. Nếu người dân đổ xô đi mua búp bê Barbie nhằm hưởng ứng trào lưu từ một bộ phim, sức nặng của mặt hàng này khi tính toán giá cả sẽ tăng lên nhanh chóng. Thước đo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố sớm hơn vào giữa tháng – gây ra những phản ứng lớn nhất trên thị trường – nhưng nó kém chính xác hơn vì nó ít được cập nhật thường xuyên.

PCE lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Những thay đổi về lãi suất có ảnh hưởng lớn hơn đến lạm phát cơ bản hơn là lạm phát toàn diện.

Vậy, chỉ số PCE lõi gần đây đã phát triển như thế nào? Chỉ báo này đang giảm dần từ mức cao nhất 5,4% hàng năm xuống 4,6% vào tháng 5/2023 và khả năng sẽ giảm xuống 4,2% vào tháng 6:

PCE cốt lõi hàng năm. Nguồn: FXStreet

Thị trường có xu hướng phản ứng nhiều hơn với sự thay đổi theo hàng tháng, bởi nó phản ánh rõ ràng xu hướng. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng 0,2% hàng tháng trong tháng 6 sau mức tăng 0,3% trong tháng 5. Riêng với CPI và PCE, chỉ mỗi sự dịch chuyển 0,1% của số liệu đều có tác động tới thị trường. Mức tăng 0,3% sẽ có lợi cho Đô la Mỹ và bất lợi cho chứng khoán. Mức tăng 0,1% ít ỏi sẽ tạo đà cho chứng khoán đi lên và tạo áp lực bán đồng USD.

Vậy nếu PCE lõi tăng 0,2% hàng tháng thì sao? Lúc ấy chúng ta quan tâm tới chỉ số khác.

Chỉ số chi phí việc làm (ECI) cũng là điều mà ông Powell quan tâm

Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới khá hài lòng với việc lạm phát nhà ở hạ nhiệt và cả chi phí hàng hóa đi xuống. Hàng hóa hạ nhiệt bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn cầu vì Covid-19 đã được tháo gỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, Fed vẫn lo lắng về lạm phát “các dịch vụ cốt lõi không trú ẩn”, có nghĩa là xu hướng tăng lương đối với những ngành nghề như làm tóc, kế toán và lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động.

Mặc dù thành phần tiền lương hàng tháng của Bảng lương phi nông nghiệp cung cấp cái nhìn sơ bộ về các chi phí đó, nhưng Fed cũng xem xét Chỉ số chi phí việc làm hàng quý rộng hơn. Chủ tịch Jerome Powell đã đề cập đến báo cáo ECI sắp tới trong cuộc họp báo của ông vào thứ Tư, bổ sung thêm bằng chứng về tầm quan trọng của nó đối với góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách.

ECI đứng ở mức 1,2% trong quý I, giảm từ mức đỉnh 1,4%. Dự kiến sẽ giảm xuống 1,1% trong quý II năm nay.

Chỉ số chi phí việc làm. Nguồn: FXStreet

Riêng với chỉ báo lạm phát, chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, mỗi sự thay đổi 0,1% đều đáng được lưu tâm. Nếu PCE lõi đạt 0,2% hàng tháng; ECI ở mức 1% sẽ hỗ trợ cổ phiếu và xấu cho đồng Đô la Mỹ, trong khi kết quả 1,2% thì ngược lại.

Kết luận

Cả hai chỉ số PCE lõi và ECI đều kì vọng sẽ giảm, phù hợp với các chỉ số lạm phát giảm của nền kinh tế. Về cơ bản nếu các số liệu lạm phát đi xuống, chúng ta càng có niềm tin về việc Fed chấm dứt chu kì thắt chặt quyết liệt nhất lịch sử, tạo đà cho chứng khoán và vàng trong khi gây áp lực cho đồng USD.

Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu, vì thế nhà đầu tư cũng cần tính tới rủi ro tất toán vị thế cuối tuần cũng như các trạng thái điều chỉnh danh mục đầu tư trước cuối tháng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....