Trách nhiệm của người đứng đầu ECB là ấn định lãi suất và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Do vậy, điều hành ECB được đánh giá là một nhiệm vụ khó khăn.
Nếu được khẳng định là người kế nhiệm ông Mario Draghi, thì bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẽ trở thành Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đầu tiên mà không có bất kỳ kinh nghiệm trực tiếp nào về điều hành ngân hàng trung ương.
Xuất thân là một luật sư, nhưng bà Lagarde có những kinh nghiệm trên chính trường từ việc bà giữ vị trí Tổng Giám đốc IMF và Bộ trưởng Tài chính Pháp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bà Lagarde đã có kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi làm việc tại IMF, theo dõi việc cung cấp các khoản cứu trợ tài chính cho Hy Lạp và các nước gặp khó khăn khác.
Trách nhiệm của người đứng đầu ECB là ấn định lãi suất và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Do vậy, điều hành ECB được đánh giá là một nhiệm vụ khó khăn, do yêu cầu phải giám sát thể trạng của 19 nền kinh tế Eurozone.
Theo các chuyên gia, nếu trở thành Chủ tịch ECB, bà Lagarde sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone ở mức 0,4% trong quý 1/2019. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang khiến hoạt động thương mại quốc tế suy giảm, tác động tiêu cực tới các lĩnh vực hướng tới xuất khẩu của các nước châu Âu như ngành công nghiệp ôtô Đức.
Trong khi bà Lagarde không có kinh nghiệm điều hành ngân hàng trung ương để các nhà đầu tư có thể tìm kiếm “manh mối” về quan điểm chính sách tiền tệ của bà, song các thông điệp mà bà đưa ra khi đứng đầu IMF cho thấy bà giữ quan điểm nghiêng về việc duy trì lãi suất thấp.
Hiện tại, bà Lagarde sẽ không có nhiều giải pháp để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Eurozone. Lãi suất tại Eurozone hiện ở mức thấp kỷ lục 0-0,4%. Tuy vậy, bà Lagarde có thể giảm lãi suất xuống “vùng âm” hay thực hiện thêm các biện pháp phi truyền thống như mở rộng chương trình “nới lỏng định lượng.”
Bên cạnh đó, bà Lagarde cũng cần chú ý tới Italy, quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế yếu và nợ chính phủ cao, trong bối cảnh nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã có sự bất đồng về vấn đề ngân sách của Rome trong thời gian qua. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3/7 thông báo cơ quan này không đưa ra quyết định kỷ luật đối với Italy liên quan đến vấn đề thâm hụt tài chính công, sau khi Chính phủ cam kết kiềm chế trong mức cho phép.
Kinh tế Italy đã rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” vào cuối năm 2018 và hiện chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Italy là quốc gia có nợ công lớn thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Trong năm 2018, nợ công của Italy ở mức tương đương 132% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), cao hơn so với mức 131,4% GDP của năm 2017.
Trong khi đó, các thị trường tài chính có thể biến động mạnh, nếu các nhà đầu tư tin rằng các nước Eurozone có thể gây sức ép khi ECB chuẩn bị đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, tương tự những quan ngại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell – người đã phải tái khẳng định với các thị trường về tính độc lập của ngân hàng trung ương này.
Nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets UK cho rằng bà Lagarde là “một lựa chọn gây băn khoăn vào thời điểm khi sự quan ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương đang ngày càng gia tăng.”
Theo giới phân tích, bà Lagarde không phải là một nhà kinh tế được đào tạo chính thống nên cần trông cậy nhiều hơn vào đội ngũ nhân sự và kỹ thuật của ECB. Việc bổ nhiệm ông Philip Lane, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland (Ai-len) vào vị trí nhà kinh tế trưởng của ECB sẽ là một sự hỗ trợ đắc lực.
Như vậy, với việc cựu Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch ECB, hai vị trí lãnh đạo hàng đầu của ngân hàng này sẽ có thể thuộc về hai cựu chính trị gia./.
Theo TTXVN