34 C
Hanoi
25/04/2024
Image default
Phân tích Tin mới nhất

Tâm điểm đầu tư 14/9: Lạm phát Mỹ sẽ quyết định tất cả

Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ cần Hoa Kỳ ‘hắt hơi’ cả thế giới có thể bị ‘cảm lạnh’. Thế nên, mỗi số liệu kinh tế Mỹ đều có tầm ảnh hưởng tới hầu khắp các thị trường.

Tuần trước, Mỹ công bố dữ liệu giá sản xuất cao kỉ lục. Giá sản xuất tại xưởng tăng lên 8,3% trong tháng 8 từ mức 7,8% của tháng 7. Chỉ số PPI mạnh mẽ sẽ là cơ sở cho chúng ta thấy số liệu lạm phát hôm nay có thể gây bất ngờ.

Theo khảo sát từ Bloomberg, giá tiêu dùng Mỹ tháng 8 so với cùng kì năm ngoái ở mức 5,3%; thấp hơn mức 5,4% hồi tháng 7. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ khả năng lạm phát tăng cao bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu, sự gián đoạn trong vấn đề hậu cần, giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh, tăng trưởng tiền lương và nỗi lo ngày càng lớn về dịch bệnh Covid.

Tất nhiên, số ca nhiễm Covid gia tăng sẽ không phải là vấn đề đau đầu đối với thị trường tài chính nếu Fed tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế mà không quan tâm tới lạm phát.

Thị trường sẽ cảm thấy nhẽ nhõm nếu CPI thấp hơn mức 5,3% dự kiến. Ngược lại, giới đầu tư có thể phải lo lắng nếu lạm phát quá cao. Lạm phát tăng nóng là lý do chính khiến Fed không thể tiếp tục làm những gì họ đang làm: ném thanh khoản rẻ vào thị trường.

Tâm trạng thị trường không quá tệ vào thứ Hai. Cụ thể: Các chỉ số châu Âu giao dịch tích cực, Dow Jones tăng 0,29% với cổ phiếu năng lượng dẫn sóng nhờ dầu thô Mỹ tăng vượt mốc 70pb USD.

Giá một thùng dầu vừa bứt phá trên đỉnh kênh xu hướng giảm trong 2 tháng, như một dấu hiệu cho thấy giá năng lượng đảo chiều tăng do lo ngại về nguồn cung của Mỹ sau cơn bão Ida. Tuy nhiên, động lực chính của giá dầu mang tính ngắn hạn và đà tăng có thể không tồn tại lâu do nhiều lo ngại khác, chẳng hạn như dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Với dầu thô, bạn cần theo dõi diễn biến hàng tồn kho của Mỹ trong tuần này.

Mặt khác, S&P500 đã đóng cửa tuần trước dưới mốc 4500 điểm và có thể tiếp tục giảm về mức 50 dma (4425 điểm) trong các phiên tới. Việc kiểm tra 50-dma không phải là vấn đề lớn đối với S&P500, vì nó đã thường xuyên kiểm tra chỉ số này và tăng trở lại cao hơn để xác nhận các kỷ lục mới. Điều đó có nghĩa là, cho đến nay, giá giảm xuống dưới 50-dma đóng vai trò là cơ hội mua khi thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, triển vọng lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt hơn của Fed có thể tiếp tục đè nặng lên tâm lý thích rủi ro và khiến S&P500 trượt xuống dưới mức 50 dma lần này.

Vàng có thể không phải là hàng rào hoàn hảo để chống lại sự xáo trộn thị trường. Mặc dù lạm phát tăng là điều tích cực đối với vàng, lợi suất của Mỹ tăng cũng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng và hạn chế tiềm năng tăng giá của kim loại quý trên mức 1800$.

Tại Anh, dữ liệu lạm phát vào thứ Tư 15/9 dự kiến sẽ ghi nhận tăng giá tiêu dùng của Anh lên 2,9% từ mức 2% được công bố một tháng trước đó. Lạm phát gia tăng sẽ ủng hộ phe diều hâu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), sau khi Thống đốc Bailey ám chỉ rằng ‘tăng trưởng đang ổn định và các tiêu chí tối thiểu cho một chính sách chặt chẽ hơn của Vương quốc Anh hiện đã được đáp ứng’.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....