24 C
Hanoi
02/05/2024
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Quý I/2024: Vàng nhẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận khủng cho NĐT, vàng miếng thì sao?

(GVNET) – Audio

Tóm tắt

  • Thị trường vàng trong nước và thế giới cùng kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3/2024 với xu hướng tăng.
  • Tháng 3 này, mua vàng miếng vẫn bị lỗ trong khi vàng nhẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận đáng chú ý cho nhà đầu tư.
  • Tính trong quý I/2024, lợi nhuận nếu mua vàng miếng chỉ hơn một chút so với mức lãi trong tháng 3 của vàng nhẫn.
  • Vậy, nếu tính cả quý I thì đầu tư vàng nhẫn lãi tới mức nào?

Nội dung chi tiết

Kết thúc tháng 3 và quý I/2024, thị trường vàng miếng dừng chân tại mốc 78,3-78,8 triệu đồng/lượng chiều mua và khoảng 80,6-80,8 triệu đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch mua – bán hiện khoảng 1,8-2,5 triệu đồng.

Thị trường vàng nhẫn dừng chân tại ngưỡng 69,1-69,7 triệu đồng/lượng chiều mua và 70,4-70,9 triệu đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch mua – bán neo tại các đơn vị ở mức 1,1-1,3 triệu đồng.

(Cả giá vàng miếng và vàng nhẫn đều được cập nhật tại các thương hiệu nổi tiếng như SJC, DOJI, BTMC, PNJ….)

Tuần giao dịch từ 25-31/3/2024

Với mức giá tổng hợp ở trên, thị trường vàng miếng kết thúc tuần giao dịch này với đà tăng khoảng 100-800.000 đồng/lượng chiều mua và 500-800.000 đồng/lượng chiều bán tùy đơn vị.

Tại thị trường vàng nhẫn, giá mua tăng khoảng 1-1,3 triệu đồng/lượng trong tuần này và giá bán tăng khoảng 1-1,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi giá mua vào tăng chưa tới 1 triệu đồng mà chênh lệch mua – bán trên 2 triệu đồng, mua vàng miếng trong tuần này sẽ lỗ nặng, trong khi mức tăng của vàng nhẫn tương đương với mức chênh mua – bán, mua vàng nhẫn từ đầu tuần đến cuối tuần hòa vốn hoặc lỗ không đáng kể.

Thị trường vàng trong nước tháng 3/2024

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, thị trường vàng miếng neo ở ngưỡng 77,5-77,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 79,5-79,8 triệu đồng/lượng chiều bán. Như vậy, kết thúc tháng 3, vàng miếng ghi nhận đà tăng khoảng 500.000 đến 1,25 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và tăng khoảng 900.000 đồng đến 1,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Với mức tăng này, đầu tư vàng miếng trong tháng 3 vẫn lỗ nặng từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.

Diễn biến giá vàng miếng SJC trong tháng 3

Thị trường vàng nhẫn mở cửa phiên đầu tháng 3 có giá mua vào khoảng 64,2-65,5 triệu đồng/lượng và giá bán là 65,4-66,6 triệu đồng mỗi lượng. Kết thúc tháng 3, vàng nhẫn mua vào tăng khoảng 4,2-5,1 triệu đồng mỗi lượng, giá bán tăng khoảng 4,2-5 triệu đồng mỗi lượng. Với đà tăng lên tới 5 triệu đồng mà chênh lệch mua – bán trên 1 và dưới 1,5 triệu đồng, mua vàng nhẫn trong tháng 3 sẽ ghi nhận mức lợi nhuận lên tới 3-3,9 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 4,5-6%.

Diễn biến giá vàng nhẫn trong tháng 3

Đầu tư vàng miếng hay vàng nhẫn đều có lãi trong quý I/2024

Khởi động tháng 1/2024, thị trường vàng miếng có mức giá mở cửa đạt 69-71 triệu đồng/lượng chiều mua, chiều bán neo quanh mốc 74 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm này, chênh lệch mua – bán của vàn miếng đang rất cao – khoảng 2,5-5 triệu đồng tùy đơn vị.

Tính từ đầu tháng 1 đến ngày cuối tháng 3, tức kết thúc quý I, giá mua vào của vàng miếng tăng khoảng 7-9,8 triệu đồng/lượng chiều mua và khoảng 6,8 triệu đồng/lượng chiều bán. Với mức tăng khá chênh lệch giữa giá mua và bán có thể thấy khoảng cách mua – bán đã được thu hẹp đáng kể.

Giữ vàng miếng trong quý I này, nhà đầu tư sẽ ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 4-5 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 5,8-6,8%.

Vàng nhẫn tiếp tục gây “choáng” cho giới đầu tư khi mặt hàng này đem lại mức lợi nhuận thật sự ấn tượng. Cụ thể, với mức giá mở cửa ngày đầu quý I, vàng nhẫn có giá khoảng 61,6-62,2 triệu đồng chiều mua và 62,9-63,4 triệu đồng/lượng chiều bán tùy đơn vị, nhưng kết thúc quý I, giá mua vào đã đạt 69,2-69,7 triệu đồng và bán ra là 70,4-70,9 triệu đồng mỗi lượng.

Sau khi tính toán, giá mua vào của vàng nhẫn trong quý I/2024 tăng khoảng 7,3-8,4 triệu đồng/lượng và giá bán tăng khoảng 7,4-7,9 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, nếu đầu tư vàng nhẫn trong quý này, nhà đầu tư sẽ thu về mức lợi nhuận lên tới 6,2-6,7 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 10-10,7%.

Mặc dù ghi nhận đà tăng và lợi nhuận ấn tượng, nhưng vùng giá hiện tại của vàng nhẫn và vàng miếng đều không phải đỉnh kỷ lục. Tính tới thời điểm hiện tại, mức đỉnh của thị trường vàng nhẫn hiện là 70,08 – 71,38 triệu đồng/lượng (mua – bán) thiết lập hôm 11/3/2024 và đỉnh của vàng miếng là 80,5 – 82,5 triệu đồng/lượng (mua – bán) thiết lập hôm 12/3/2023.

Nhìn vào đà tăng và mức lợi nhuận của thị trường vàng trong nước, cho thấy đầu tư vàng nhẫn tiếp tục đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với vàng miếng.

Chênh lệch mua – bán thấp hơn vàng miếng, chênh lệch với giá vàng thế giới cũng ở mức thấp, nguồn cung đa dạng…., là một số những ưu điểm nổi bật của thị trường vàng nhẫn. Với những yếu tố này, dự kiến vàng nhẫn sẽ tiếp tục được nhiều người ưa chuộng và mang lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới hiện đứng tại đỉnh kỷ lục 2.233 USD mỗi ounce, tăng khoảng 3% trong tuần này, tăng 9% trong tháng 3 và tăng khoảng 8% trong quý I/2024.

Diễn biến giá vàng thế giới trong tháng 3

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và nhu cầu phòng ngừa rủi ro.

Theo chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities, các nhà giao dịch đã gia tăng mạnh vị thế vàng vào thời điểm cuối tháng và cuối quý này, và đây là một lý do khiến giá vàng bứt phá.

Cũng theo ông Ghali, giá vàng có thể tăng cao hơn nếu thị trường bắt đầu kỳ vọng Fed có một chu kỳ cắt giảm lãi suất sâu hơn. Giá vàng có tiềm năng “duy trì những mức cao này, nhưng chúng tôi thực sự nhận thấy sẽ có những dấu hiệu của lực mua cạn kiệt xuất hiện trong ngắn hạn”, ông nói thêm.

Ngoài kỳ vọng vè lãi suất Fed, giá vàng còn đang hưởng lợi từ việc “vẫn có căng thẳng địa chính trị ở mức độ cao trên toàn cầu” – yếu tố thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng để bảo toàn giá trị tài sản – theo nhà phân tích Everett Millman của công ty Gainesville Coins.

Đánh giá triển vọng, Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định giá vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024.

Còn Citi Group dự báo, giá vàng có khả năng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới.

Chênh lệch giá vàng nội – ngoại

Với mức giá 2.233 USD, vàng thế giới sau quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (25.470 VND/USD) giao dịch tại 69,34 triệu đồng/lượng.

Với mức giá hiện tại 80,8 triệu đồng, vàng miếng đang cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi 11,5 triệu đồng, giảm 1,3 triệu đồng so với cuối tuần trước, giảm mạnh 4,5 triệu đồng so với cuối tháng trước và chỉ giảm 200.000 đồng so với cuối quý IV/2023.

Mức giá 70,93 triệu đồng của vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới 1,6 triệu đồng, giảm 600.000 đồng so với cuối tuần trước và giảm 1,4 triệu đồng so với cuối tháng trước, nhưng tăng hơn 600.000 đồng so với quý cuối cùng năm 2023.

Thị trường vàng thế giới thời gian qua chịu tác động bởi triển vọng hạ lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị tiếp tục “nóng” trên toàn cầu. Trong nước, từ cuối năm ngoái tới nay, Chính phủ dồn dập yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp để ổn định thị trường vàng, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế…, điều này đã có những tác động lên giá vàng, đặc biệt là vàng miếng.

Mới đây nhất, chiều 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng. Tại đây, đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC được các chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đánh giá, trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....