26 C
Hanoi
24/04/2024
Image default
Tiền ảo Tin mới nhất

Lo ngại tiền ảo là kẽ hở cho tội phạm rửa tiền

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều đại biểu lo ngại nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam.

Theo các đại biểu, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời nhấn mạnh, phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nêu ý kiến thảo luận, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, cơ quan này đang điều tra vụ án (số tiền vụ án ước tính hàng nghìn tỷ đồng) với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền. Chủ mưu cầm đầu, tổ chức các hoạt động phạm tội là người nước ngoài và thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam. Trụ sở, địa điểm, công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội đều ở nước ngoài.

Ông Trung cho biết, phương thức, thủ đoạn của đường dây này rất tinh vi. “Sau khi nhận được tiền của người bị hại, chúng chia nhỏ gửi qua rất nhiều lần, nhiều tài khoản, sau đó chụm về một tài khoản. Từ tài khoản đó quy đổi thành tiền ảo và đổi lại tiền mặt”, ông nói.

Theo đại biểu, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả.

Tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.

Cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ TN&MT trong công tác phòng, chống rửa tiền. Cụ thể cần có quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trong công tác quản lý, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn như trách nhiệm của các Văn phòng quản lý đất đai để phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến nhiều cá nhân sở hữu nhiều bất động sản lớn không phù hợp với thu nhập.

Cho rằng cần có quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, dịch vụ công nghệ tài sản, đại biểu Nguyễn Hải Trung nói: “Mình không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử, kỹ thuật số nhưng thực tế hiện nay đang có thị trường ngầm, hoạt động rất sôi động, rất mạnh. Qua phương thức hoạt động của các đối tượng lừa đảo thông qua tiền ảo để rửa tiền”.

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) đề nghị kiểm soát tài sản ảo, tiền dùng cho tài trợ khủng bố… Bởi, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp.

“Khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện cái hình thức mua bán Bitcoin. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định)

Cũng theo bà Thủy, từ năm 2017, Bộ Tư pháp cũng đã đề cập vấn đề về tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh việc giám sát việc thực thi các quy định về phòng, chống tiền rửa tiền đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi mà tội phạm có khả năng sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền.

Tuy nhiên, hiện nay, theo bà Thủy, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý. Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh thì cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận về các loại hình này. Luật quy định rõ hình thức quy định thống nhất, thế không thống nhất ở mức độ nào.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, sự phát triển của kinh tế số cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm có hành vi gian lận tinh vi, phức tạp hơn, bao gồm các hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao thông qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số… Đại biểu đề nghị bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu đưa quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền thì đã thừa nhận các loại hình này trong khi chưa có khuôn khổ pháp lý. Với những hành vi mới phát sinh, Điều 16 dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành nghị định để xử lý vấn đề mới phát sinh.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải tình tiết tăng nặng như quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định về tịch thu các tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế, để có thêm tính răn đe, ngăn ngừa và xử lý hành vi rửa tiền bất hợp pháp.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở quản trị, đánh giá mức độ cảnh báo có dấu hiệu liên quan tới hành vi rửa tiền qua mức độ giao dịch hoặc các giao dịch liên quan tới tiền ảo.

Giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho hay, quá trình xây dựng luật để đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và đánh giá của Nhóm đánh giá châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền tại báo cáo đánh giá đa phương, đồng thời từ thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức và đánh giá tính khả thi trong điều kiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này, đồng thời để đảm bảo quy định luật có tính bao quát các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được nêu trong luật.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....