17 C
Hanoi
12/12/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

ĐBQH kiến nghị thu thuế tiền số

(GVNET) – Đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về đầu tư tiền ảo, chỉ sau Mỹ. Việc để trống hành lang pháp lý cho tiền số khiến Việt Nam đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những người kinh doanh tiền ảo.

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho biết, luật này tác động rất lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trên gần 1 triệu doanh nghiệp.

Về thuế suất, dự luật quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng. Đại biểu cho rằng, quy định chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn.

Từ đó, đại biểu đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, không nên quy định việc áp thuế cứng 15%. Nếu làm được như vậy doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh.

Về thuế đối với vấn đề kinh doanh đồng tiền số, đại biểu cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết hiện nay chúng ta đang có “mảnh đất rất màu mỡ” cho những người kinh doanh tiền số. Vì Việt Nam chưa có chính sách gì để quản lý, thu thuế. Trong khi đó, các nước xung quanh Việt Nam đã có quy định về vấn đề này.

“Hiện nay kinh doanh tiền số ở Việt Nam đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Chúng ta cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế. Việc này rất khó nhưng cần phải làm, phải có thái độ trả lời là đồng ý hay không đồng ý cho kinh doanh tiền số. Nếu không Việt Nam sẽ là nơi trốn thuế của các nhà đầu tư tiền số nước ngoài”, đại biểu đoàn Thái Bình cho biết.

Ảnh minh họa

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải chịu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua chúng ta đã thu được thuế từ sàn thương mại điện tử, mua bán online… của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại nước ngoài.

Về nền tảng số, ông Phớc cho hay ngành tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và vẫn đang đẩy mạnh việc này.

“Tuần vừa rồi chúng tôi đã ra mắt robot ảo phục vụ cho người nộp thuế. Có nghĩa là người nộp thuế hỏi bất cứ câu hỏi nào về mức nộp thuế, các bước nộp thuế, hoàn thuế, thời gian chậm nộp thế nào… đều được trả lời, rất thuận lợi cho người nộp thuế”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cần miễn thuế với các doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy xã hội hóa nhưng không phải đơn vị công lập.

Trong đó ví dụ như bệnh viên tư, trường học dân lập được hưởng mức ưu đãi cao nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần để lại không chia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cơ bản đồng tình với quan điểm này. Bởi đây là chính sách để chúng ta khuyến khích, phát triển các đơn vị giáo dục ngoài công lập nhưng phát triển vì mục đích phi lợi nhuận.

Do đó tiền đóng học phí, viện phí của người bệnh cho các tổ chức này không nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chia lợi nhuận cho các cổ đông mà mục tiêu chính là để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, phục vụ chính cho người bệnh.

Đại biểu cho rằng, đây là hướng khuyến khích phát triển, rất cần thiết phải đưa vào trong luật là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tư và dịch vụ tư mà hoạt động phi lợi nhuận.

Đồng thời các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục phải coi là đơn vị phi lợi nhuận và phải được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong quy định hiện hành, chúng ta chỉ miễn thuế đối với các dịch vụ cơ bản, thiết yếu mà sử dụng ngân sách nhà nước hoặc những đơn vị sự nghiệp được Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động.

Như vậy, những đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang thực hiện cơ chế tự chủ, tức là tự xác định mức thu, tự đảm bảo thu – chi trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, không sử dụng ngân sách nhà nước lại thuộc vào đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là một điều không phù hợp.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét để đảm bảo yếu tố về dịch vụ y tế, giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu đáp ứng yêu cầu xã hội, không nên đưa yếu tố thuế vào đây, trừ trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập này không phải phục vụ hoạt động công thông thường mà thực hiện liên doanh, liên kết để thu lợi nhuận.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với đơn vị có liên doanh, liên kết, chúng ta có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....