Ngày 5/6, tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước G7 diễn ra ở London (Anh), Bộ trưởng tài chính các nước G7 đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Kết thúc 2 ngày thảo luận trực tiếp – cuộc họp đầu tiên các bộ trưởng tài chính G7 gặp mặt trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các bên đã nhất trí về một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó cam kết mức tối thiểu là 15%.
“Các Bộ trưởng Tài chính G7 hiện nay, sau nhiều năm thảo luận, đã đạt được một thỏa thuận lịch sử để cải cách hệ thống thuế toàn cầu, để nó phù hợp với thời đại kỹ thuật số toàn cầu và quan trọng là đảm bảo sự công bằng để các công ty phải trả đúng mức thuế ở đúng nơi quy định”, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak tuyên bố hôm thứ Bảy.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng thoả thuận này là “tin tồi đối với các thiên đường thuế trên khắp thế giới”. Ông khẳng định các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ không thể trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp, và rằng một số chính phủ sẽ không thể sử dụng ưu đãi thuế để thu hút các công ty được nữa.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.
“Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ trong thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ cũng như trên thế giới”, bà Yellen nói, đồng thời cho rằng, điều này cũng khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực.
Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông ban đầu đã đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu là 21% nhằm ngăn chặn các quốc gia thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia bằng mức thuế thấp hoặc bằng không. Tuy nhiên sau nhiều cuộc đàm phán, mức thuế đề xuất được thống nhất là 15%.
Các quy tắc thuế toàn cầu hiện nay có từ những năm 1920 và đang phải đấu tranh với những gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia bán dịch vụ từ xa và quy phần lớn lợi nhuận của họ cho tài sản trí tuệ nắm giữ ở những khu vực đánh thuế thấp.
Theo đó, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết tìm ra một giải pháp công bằng trong việc phân bổ quyền đánh thuế, với việc các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất, phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các quy tắc quốc tế mới về thuế và việc loại bỏ tất cả các loại Thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty, cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ở mức ít nhất 15% trên cơ sở từng quốc gia.
Ngoài vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp, các bộ trưởng tài chính G7 cũng thảo luận và nhất trí tăng tốc độ hành động trong các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Các bộ trưởng tài chính G7 tái khẳng định mục tiêu chung của các quốc gia phát triển là mỗi năm huy động 100 tỷ USD từ các nguồn công và tư để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.
Các bộ trưởng tài chính G7 cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19 khi tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sớm thực hiện việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng 8 này. Bộ trưởng tài chính các nước Mỹ, Đức, Pháp, Ireland đã lên tiếng hoan nghênh, bày tỏ ủng hộ thỏa thuận này.
Trước mắt, các nội dung trong thỏa thuận của G7 sẽ là cơ sở cho chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Venice (Italy) vào tháng 7 tới đây. Nếu nhận được sự ủng hộ của các nước G20, thỏa thuận có thể sớm được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Tổng hợp