Ngày 19/9, báo cáo hằng tháng của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), cho thấy những dấu hiệu suy thoái của kinh tế Đức đang ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên tất cả các lĩnh vực là do sự hạn chế nguồn cung, cụ thể là nguồn cung năng lượng tới châu Âu giảm mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng Nga để cung cấp điện cho hoạt động công nghiệp và đáp ứng nhu cầu sưởi ấm cho các hộ gia đình.
Cuối tháng 8/2022, Moskva đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu và đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), gây áp lực lớn lên nền kinh tế Đức, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga, với khoảng 55% tổng lượng khí đốt dùng để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và gia đình trong mùa Đông.
Theo báo cáo, GDP của Đức đã tăng 0,1% trong quý II/2022. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu đi xuống.
Theo Bundesbank, tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho thấy tình hình thị trường đang rất căng thẳng. Ngân hàng Trung ương Đức nhận định mặc dù Đức có thể tránh được việc chính thức áp chế độ phân phối nhiên liệu, song việc giảm tiêu thụ sẽ khiến các công ty hạn chế hoặc tạm dừng sản xuất.
Mặc dù tác động sẽ không nghiêm trọng như kịch bản bất lợi mà ngân hàng này đã đưa ra vào tháng 6, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm 3,2% trong năm 2023, song viễn cảnh tương lai vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc giảm nguồn cung khí đốt đã đẩy giá nhiên liệu và điện tăng vọt, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giá tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, ông vẫn đang tìm cách để bảo đảm giá khí đốt vẫn ở mức phù hợp đối với người dân, trong khi đợi khuyến nghị của nhóm chuyên gia.
Giavang.net