19 C
Hanoi
19/03/2024
Image default
Tiêu điểm Tin mới nhất

Covid-19: Campuchia phát hiện virus trên thịt trâu nhập từ Ấn Độ; Ấn Độ đối mặt với bệnh nấm đen hậu Covid-19

Campuchia phát hiện 3 container thịt trâu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập khẩu từ Ấn Độ. Cơ quan chức năng Campuchia hiện đã tịch thu số hàng này.

Ngay sau khi phát hiện số hàng hóa trên bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các cơ quan chức năng Campuchia tiến hành thiêu hủy tại huyện Oral, tỉnh Kampong Speu, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 100km vào ngày 26/7.

Thống đốc tỉnh Kampong Speu – Vy Samnang đã chỉ thị cho lãnh đạo quận Oral sẵn sàng hợp tác với các quan chức hải quan trong việc thiêu huỷ thịt nhiễm virus.

Theo ông Vy Samnang, biện pháp thiêu hủy là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, vì nếu chôn số hàng này cũng không an toàn. Ông Vy Samnang cũng kêu gọi người dân khi mua thịt trâu, bò cần cẩn thận và hỏi rõ nguồn gốc hàng hóa để tránh mua phải thịt đông lạnh chứa virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế Campuchia đã ra thông báo cảnh báo người dân cẩn thận vì virus SARS-CoV-2 có thể sống trên thịt đông lạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia cũng kêu gọi người dân cần phải ăn chín, uống sôi, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19.

Hàng chục nghìn bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ở Ấn Độ phải đối mặt với bệnh nấm đen nguy hiểm

Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân nhiễm nấm mucormycetes (nấm đen) tại bệnh viện Noble, Hadapsar (Ấn Độ). Ảnh: Hindustan Times 

Bệnh nấm đen, căn bệnh do nấm mucormycetes gây ra. Đây là loại nấm thường gặp hàng ngày, nhưng nếu hệ miễn dịch của người bệnh suy yếu do từng mắc Covid-19, họ sẽ dễ bị nhiễm loại nấm này hơn. Nếu không được điều trị nhanh chóng, nấm đen có thể khiến khuôn mặt bị hủy hoại vĩnh viễn, mất thị lực và thậm chí là tử vong. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong lên tới trên 50%.

Trước năm 2021, các trường hợp nhiễm nấm đen rất hiếm gặp ở Ấn Độ, dù tỉ lệ nhiễm bệnh tại quốc gia Nam Á này cao hơn khoảng 80 lần so với các nước phát triển.

Các ca nhiễm nấm đen đã tăng cao ở Ấn Độ, trong khi một số trường hợp được phát hiện ở Nepal, Afghanistan, Ai Cập và Oman.

Số ca nhiễm nấm đen ở Ấn Độ hiện cao hơn nhiều so hồi tháng 9 năm ngoái, khi mà làn sóng Covid-19 đầu tiên tại nước này kết thúc.

Bên cạnh đó, nấm đen cũng được ghi nhận ở người mắc bệnh tiểu đường. Tại Ấn Độ, ít nhất 77 triệu người mắc bệnh tiểu đường tính đến năm 2019, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 116 triệu người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang tăng nhanh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình so với các nước thu nhập cao. Cùng với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19, các bác sĩ dự đoán nấm đen sẽ lây lan rộng hơn trên toàn thế giới.

Theo các bác sĩ, có một số yếu tố đằng sau sự gia tăng của các bệnh nhân bị nhiễm nấm đen sau làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ, trong đó bao gồm các loại thuốc được sử dụng để điều trị Covid-19.

Các quan chức y tế cấp cao thuộc lực lượng chuyên trách Covid-19 của Ấn Độ và Viện Khoa học Y tế Ấn Độ cho biết, việc lạm dụng steroid để điều trị Covid-19 đã ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và khiến họ dễ bị nấm đen hơn.

Trong điều trịCovid-19 ở Ấn Độ, steroid có thể được sử dụng trong các trường hợp nhiễm Covid-19 vừa và nặng, mặc dù các hướng dẫn mới nhất được ban hành vào tháng 5 khuyến cáo “sử dụng hợp lý” để ngăn ngừa và kiểm soát các di chứng như nấm đen.

Một số bác sĩ cũng nghi ngờ tình trạng thiếu oxy y tế có thể đóng vai trò nào đó, khi cho rằng mức oxy thấp kéo dài có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn.

Nhiều bác sĩ khác lại cho rằng có thể có mối liên hệ giữa sự gia tăng các ca nhiễm nấm đen và biến thể Delta, biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác khả năng này.

Không có cách nào điều trị nhanh bệnh nấm đen. Bệnh nhân nhiễm sẽ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các phần bị hoại tử. Sau đó, họ được điều trị bằng thuốc kháng nấm liposomal amphotericin B để ngăn nhiễm trùng tái phát

Khi số ca mắc tăng vào tháng 5, một số bang đã báo cáo tình trạng thiếu thuốc và Bộ Hóa chất và Phân bón Ấn Độ đã vào cuộc để điều tiết nguồn cung. Ấn Độ vừa cho phép thêm 5 công ty sản xuất thuốc trị nấm.

Loại thuốc điều trị nấm kể trên có giá khá đắt đỏ, với khoảng 95 USD/liều và không có sẵn bên ngoài các bệnh viện. Các bác sĩ nói rằng cần ba liều mỗi ngày trong ít nhất 28 ngày, nghĩa là chi phí điều trị có thể lên tới 8.000 USD – ngoài khả năng chi trả của nhiều người dân nghèo ở Ấn Độ.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....