32 C
Hanoi
04/05/2024
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

Chuyên gia: “Giá vàng trong nước có khả năng phá đỉnh năm ngoái”

Chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng trong nước đã tăng 500-600.000 đồng mỗi lượng, liên tục thiết lập các mức đỉnh mới của năm 2023 và đang có xu hướng vươn lên mốc 70 triệu đồng/lượng. Chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước sẽ vượt đỉnh năm 2022 khi vàng thế giới lên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Nguyên nhân đà tăng của vàng

Ông Nguyễn Ngọc Trọng – Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ nhận định, giá vàng thế giới tăng do tâm lý lo ngại từ xung đột giữa Israel – Hamas, từ đó thúc đẩy những nhà đầu tư mua vào nhiều hơn.

Ở trong nước, do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới tăng, cả người dân lẫn doanh nghiệp cũng có tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tiếp tục đi lên. “Đây là yếu tố chính khiến giá vàng trong nước tăng mạnh theo thế giới, cộng thêm việc nguồn cung khan hiếm của vàng SJC càng khiến giá vàng tăng những ngày qua”, ông Trọng nói.

Số liệu chưa đầy đủ nhưng theo giới kinh doanh vàng trong nước, ở thời điểm hiện tại quy mô của thị trường vàng SJC đã thu hẹp rất nhiều so với những năm trước nên chỉ cần quy mô giao dịch 300-500 lượng trong một phiên (tương đương khoảng 20-35 tỷ đồng) là có thể kéo giá SJC tăng. Ngược lại, khi nhu cầu bán cao hơn cũng số lượng trên, giá vàng SJC sẽ giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, một phần tiền gửi tiết kiệm tới kỳ đáo hạn nhưng lãi suất giảm nên họ có thể dịch chuyển sang vàng và các kênh đầu tư khác có mức sinh lời tốt hơn.

Chỉ cần một vài % lượng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn rút ra mua vàng là đã có thể tạo “sóng” cho vàng SJC. Bởi từ nhiều năm nay, nguồn cung vàng SJC chủ yếu từ mua đi bán lại trên thị trường, không có nguồn nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công sản xuất vàng miếng”, ông Trần Duy Phương nêu quan điểm.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh – cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, sở dĩ giá vàng miếng SJC tăng giá mạnh là do nhiều năm nay vàng SJC không còn được sản xuất nữa khiến nguồn cung tăng giá. Việc vàng SJC cao hơn vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng không phản ánh đúng chiều hướng giá vàng thế giới, vốn theo chiều hướng giảm từ tháng 5/2023 đến nay.

Theo chuyên gia này, tỷ giá thời gian qua tăng ảnh hưởng đến giá vàng, song biến động của tỷ giá không quá lớn, nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC cao kỷ lục từ đầu năm đến nay là do yếu tố tâm lý.

Về xu hướng vàng thế giới, theo ông Huỳnh Trung Khánh, nhiều khả năng giá vàng thế giới sẽ lấy lại mốc 1.900-2.000 USD/ounce do nhu cầu vàng tăng cao phục vụ nhu cầu mua sắm, lễ hội trong quý IV/2023. Điều này có thể đẩy giá vàng trong nước tiếp tục đi lên.

Theo dữ liệu thống kê, lượng tiêu thụ vàng nước ta bình quân là 50-60 tấn/năm. Trong hai năm Covid (2020-2021), lượng tiêu thụ vàng có giảm xuống và phục hồi trở lại năm 2022. Tuy vậy, lượng tiêu thụ vàng năm nay (2023) dự báo sẽ giảm 10-20% do nền kinh tế khó khăn.

Trong hai ngày đầu tuần này, giá vàng được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn khi cuộc xung đột Israel – Palestine leo thang làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng trên mốc 1.800 USD/ounce và tương lai gần sẽ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce. Vào thời điểm này năm ngoái, giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước lên đỉnh 73 triệu đồng/lượng.

Vàng đang tăng mạnh, nên mua hay bán?

“Tôi cho rằng, giá vàng SJC trong nước có khả năng phá đỉnh năm ngoái”, ông Hùng nói và cho rằng người dân cân nhắc thời điểm mua vào, bán ra, bởi hiện nay để đảm bảo lợi nhuận kinh doanh, các nhà vàng để mức chênh lệch mua vào – bán ra lên gần 1 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo giá vàng sẽ tăng tiếp. “Nhà đầu tư muốn quản trị rủi ro chắc chắn và muốn chốt lời, có thể bán ra lúc này. Vấn đề họ phải đặt mức để chốt, khi đó dù giá tiếp tục tăng vẫn bán”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết thêm, giá vàng thế giới tăng tác động đến giá vàng trong nước. Hiện giá vàng đã gần chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, thậm chí có thể hơn.

Theo ông Hiếu, khi các kênh đầu tư khác đều không mấy sáng sủa và không mang lại lợi nhuận như lãi suất ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán lình xình, thị trường bất động sản còn khó khăn trong khi vàng sôi sục dễ khiến người ta đổ tiền vào vàng.

“Tôi không bao giờ khuyên đầu tư “lướt sóng” vàng. Nếu đầu tư vào vàng thường phải trong vòng 1 năm. Còn trong thời gian đầu tư ngắn, chỉ vài tuần rất nguy hiểm, không nên đầu tư”, ông Hiếu khuyên.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư không nên “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Mặc dù giá vàng trong nước xu hướng tăng nhưng đổ hết tiền tiết kiệm vào vàng rất nguy hiểm. Nên phân bổ rủi ro cho nhiều kênh đầu tư; trong đó có ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản.

“Thời điểm này, nếu đầu tư vào vàng, nên chia 1/3 số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư. Đặc biệt, đừng bao giờ đi vay tiền để mua vàng”, ông Hiếu khuyến cáo.

Bên cạnh đó, ông Hiếu chia sẻ chênh lệch mua – bán do nhà vàng tạo nên. Chênh lệch mua – bán càng cao càng cho thấy nhà vàng đã tính tới sự biến động mạnh của thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh vàng kiểm soát rủi ro bằng cách mua vào với giá thấp, tới khi thị trường giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng thì họ vẫn lãi.

“Người có vàng muốn bán ở thời điểm này sẽ bị kiểm soát ở mức sàn và vẫn buộc phải bán cho một vài nhà vàng với mức giá gần như tương tự nhau mà không có sự lựa chọn khác. Theo đó, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ thời điểm mua vào – bán ra”, ông Hiếu nói.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....