19 C
Hanoi
11/12/2024
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Bảng giá vàng 10/7: SJC tiếp diễn kịch bản đi ngang. Thành lập sàn vàng – góc nhìn từ chuyên gia

(GVNET) – Tóm tắt

  • Thị trường vàng miếng kiên trì với mức giá bán “bình ổn” 76,98 triệu đồng/lượng.
  • Sự ổn định duy trì ở cả chiều mua, chênh lệch mua – bán không quá 2 triệu đồng.
  • Theo chuyên gia, lập sàn vàng có thể làm giảm tính hấp dẫn của vàng vật chất.

Nội dung

Những chuyển động của giá vàng thế giới thời gian qua chưa đủ lực làm thay đổi diễn biến đi ngang của vàng miếng trong nước. Vàng miếng SJC ghi nhận hơn 30 ngày đi ngang liên tục khi Ngân hàng Nhà nước chưa có thêm bất kỳ động thái nào về việc điều chỉnh giá bán trực tiếp kể từ ngày 7/6/2024 đến nay.

Trong hơn 1 tháng ổn định của vàng miếng, chênh lệch với vàng thế giới dao động ở ngưỡng gần 2 triệu đến dưới 5 triệu đồng, và hiện tại là khoảng 2,5 triệu đồng.

Cập nhật giá vàng miếng tại các đơn vị trong sáng nay 10/7/2024, với giá mua vào ở ngưỡng 74,98 -75,50 triệu đồng/lượng, giá bán là 76,98 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng miếng tại Big4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cũng ổn định tại 76,98 triệu đồng/lượng.

Nên thí điểm thành lập sàn vàng

Tại Toạ đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế” đầu tuần vừa qua, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw Nguyễn Thanh Hà cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại của việc quản lý thị trường vàng trên thế giới. Cụ thể, phải hướng đến xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không.

Theo ông Hà, người dân hiện nay không chỉ quan tâm đến vàng vật chất mà còn muốn tham gia kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận loại hình này, Việt Nam vẫn chưa có sự quản lý, dẫn đến rủi ro lừa đảo từ các đối tác trong và ngoài nước. Sự vắng mặt của cơ chế quản lý hiệu quả có thể khiến nhiều người mất tiền vào các sàn này, gây nguy hiểm cho nền kinh tế và tăng tình trạng tội phạm lừa đảo.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hoè – Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng cần quan niệm thị trường vàng gắn với thị trường tài chính (hàng hóa phái sinh). Thực tế, Trung Quốc, Thái Lan đều triển khai quản lý theo cách này, giúp người dân không phải “lưu luyến” quá nhiều với vàng vật chất và Nhà nước cũng có thể huy động được vàng trong dân.

“Việt Nam đã có sàn hàng hóa là sàn cà phê, sàn cá tra do Bộ Công thương quản lý. Bản chất nó vẫn là các sàn tài chính, bởi đó là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Có nghị định khung về vấn đề này và cho phép thí điểm 3-5 năm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, tránh để tình trạng thí điểm chưa xong đã cho bùng nổ để rồi quay lại thắt chặt”, ông Hòe kiến nghị.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, Hoa Kỳ – ở một số thời điểm nhất định – cũng cấm người dân sở hữu vàng vật chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân một tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được, nhưng nhà nước sẽ phát hành cho người dân một tín chỉ thay vì là vàng nguyên chất. Ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dự trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.

Ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá, Chính phủ một số nước cũng thực hiện việc phát hành tín chỉ quỹ ETF như vậy cho người dân. Với các giải pháp này, thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn.

Ông Huân cho rằng, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng vật chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán được và trả lời cho câu hỏi đầy tranh cãi là số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....