(GVNET) – Theo chuyên gia, mức giá sàn cao chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu tỏ ra lưỡng lự vẫn đến tình trạng vàng miếng “ế” khách.
Tại phiên đấu thầu vàng miếng SJC đầu tiên của năm (23/4) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, có 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu lần này là 16.800 lượng.
Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu là SJC và ACB với số lượng 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó một ngày để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng. Sau một đêm, kim loại quý trên thị trường quốc tế bất ngờ có phiên giảm sâu nhất một năm. Các đơn vị tham gia đặt cọc kỳ vọng, giá sàn nhà điều hành đưa ra sẽ thấp hơn hoặc xấp xỉ mức tham chiếu 80,7 triệu.
Tuy nhiên, giá sàn dự thầu được công bố là 81,3 triệu, tăng 500.000 đồng so với tham chiếu. Mức giá này cao hơn 1 triệu đồng so với mỗi lượng SJC mua vào từ người dân và thấp hơn giá bán ra của các nhà vàng khoảng 1 triệu đồng ở cùng thời điểm.
Ước tính, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để nhập ít nhất 1.400 lượng với giá sàn này. Việc mua vào với mức sát thị trường trong khi thế giới đi xuống, tức biên lợi nhuận thấp, khiến nhiều đơn vị lo ngại rơi vào thế bất lợi. Một ngân hàng tham gia dự thầu nhưng không bỏ phiếu mua cho hay “họ không cân đối được đầu ra”.
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết, không tham gia đấu thầu vàng lần này, bởi nhận thấy mức biên lợi nhuận không đủ hấp dẫn.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cân đối đầu ra ở hai kênh, là bán trực tiếp cho người dân hoặc phân phối lại qua bán buôn cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, lực cầu kim loại quý giai đoạn này, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đang chững lại.
Cựu giám đốc kinh doanh vàng của một doanh nghiệp lớn chia sẻ sau giai đoạn giá thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì nhảy vào thị trường. Bên cạnh đó, lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang nhẫn trơn 24K.
Nhìn chung, mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hấp dẫn trong bối cảnh thị trường thế giới đi xuống, cộng với việc không cân đối được đầu ra, khiến nhiều đơn vị quyết định không trả giá thầu.
Lý do nữa khiến vàng đấu thầu “ế” là áp lực đóng trạng thái vàng, tức chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Đây cũng là điểm khác biệt lần thầu này so với giai đoạn hơn một thập kỷ trước. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng lần đầu trùng với thời hạn chót (30/6/2013) các nhà băng phải tất toán trạng thái vàng.
“Sức ép phải chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng khiến các ngân hàng tích cực tham gia đấu thầu. Nhưng hiện động lực này không còn”, Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán nói.
Bên cạnh đó, bài toán kinh doanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp cân nhắc tham gia, hay trả giá thầu hay không. Bởi, giá vàng thế giới gần đây biến động mạnh, trong khi khối lượng tối thiểu doanh nghiệp phải đặt mua tương đối lớn, 1.400 lượng. “Nếu tính tới bài toán lợi nhuận kinh doanh và rủi ro, phản ứng dè dặt của các thành viên tham gia cũng là điều dễ hiểu”, người này nói thêm.
Giải pháp “thoát ế”
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam góp ý rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục đấu thầu, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.
Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, cần xem dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như dự báo xu hướng biến động giá vàng. Đặc biệt, cần biết được nhu cầu vàng hiện nay là bao nhiêu.
“Vẫn nên tiếp tục đấu thầu thời gian tới, nhưng cần tìm hiểu nhu cầu là bao nhiêu? Mỗi phiên đấu thầu, số lượng đưa ra đấu bao nhiêu cũng cần tính toán hợp lý hơn để thu hút các đơn vị tham gia tăng lên. Đồng thời, quy định giá tối thiểu nhưng cũng cần quy định giá bán tối đa, không được bán vượt giá trần quy định khi trúng đấu thầu”, ông Long nói.
Đấu thầu vàng chỉ có tác dụng ổn định thị trường tạm thời
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, biện pháp đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước dù có tác dụng ổn định thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng chưa nhiều và tạm thời.
“Muốn tăng cường tính ổn định, theo tôi cần đấu thầu thường xuyên hơn với số lượng lớn lơn nữa, giá sàn phải hạ hơn nữa. 16.800 lượng vàng miếng (tương đương hơn 600 kg vàng) là chưa đủ vì nhu cầu trong nước vẫn đang lớn”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông biện pháp lâu dài cho thị trường vàng là cần sửa Nghị định 24. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước nên nghiên cứu tạo ra sàn giao dịch vàng để tất cả giao dịch được minh bạch, thông thoáng.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhận định việc đấu thầu vàng lần này được xem là giải pháp ngắn hạn giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới vì đây là yêu cầu của Thủ tướng là phải làm “ngay và luôn”.
“Đây là biện pháp nhanh nhất để tăng nguồn cung vàng miếng. Cụ thể đấu thầu bao nhiêu phiên để tiệm cận giá quốc tế thì cần phải theo dõi. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ sau 7-10 phiên đấu thầu, giá vàng miếng trong nước sẽ giảm dần”, ông nói.
Bên cạnh việc đấu thầu, theo ông một biện pháp khác mà NHNN có thể làm ngay được là cấp nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ điều kiện, để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Còn đối với việc xoá bỏ độc quyền vàng miếng sẽ mất nhiều thời gian hơn 3-6 tháng để ra một Nghị định mới.
Giavang.net