Sau vụ nổ lớn tại Bệnh viện al- Ahli Arab ở Gaza, nơi hàng trăm người trú ẩn và bệnh nhân đang được điều trị, biểu tình đã bùng phát ở các thành phố trên khắp Trung Đông, bao gồm Lebanon, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cuộc biểu tình đã trở thành các vụ đụng độ bạo lực. Các quan chức Palestine cho biết, lực lượng Israel đã bắn chết hai thiếu niên Palestine gần khu vực Ramallah ở Bờ Tây trong cuộc biểu tình phản đối vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở thành phố Gaza. Cả Israel và Palestine đều dổ lỗi cho nhau về vụ tấn công này.
Tại Lebanon, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay và vòi rồng vào những người biểu tình đang ném đạn gần Đại sứ quán Mỹ ở phía bắc thủ đô Beirut, theo video do của đài truyền hình al-Jadeed của Lebanon đăng tải.
Còn tại Iran – các cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp quốc gia này, bày tỏ sự ủng hộ Hamas và phản đối Israel. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ có nội dung lên án Mỹ và Israel tụ tập đông đảo trên đường phố. Trong phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết: “Mỗi giọt máu của người Palestine thiệt mạng trong cuộc chiến này sẽ đưa Israel đến gần hơn tới sự sụp đổ”.
Ở Iraq, khoảng 300 người ủng hộ các nhóm dân quân Shi’ite do Iran hậu thuẫn đã biểu tình gần một cây cầu dẫn đến Vùng Xanh – nơi có Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài khác. Thành viên lực lượng dân quân Ali Akbar nói: “Người Mỹ nên biết rằng sự ủng hộ của họ đối với Israel chỉ khiến họ bị thất bại và bị tàn phá”.
Các cuộc biểu tình không chỉ giới hạn ở những quốc gia Hồi giáo hay Trung Đông. Hàng trăm nhà hoạt động vì hòa bình Do Thái đã tập hợp tại Washington kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ gây sức ép đối với các bên liên quan để dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn.
Người biểu tình mặc áo phông đen có dòng chữ “ngừng bắn ngay”, kèm dòng băng rôn ghi “hãy để Gaza sống”.
Ngay khi cuộc biểu tình bắt đầu, Cảnh sát Đồi Capitol cảnh báo đám đông giải tán trước khi tiến vào toà nhà Quốc hội Mỹ và bắt giữ những người không tuân thủ. Cảnh sát cho biết, 100 người đã bị bắt khi không chịu rời toà nhà.
Cuộc biểu tình được tổ chức bởi tổ chức Tiếng nói Hòa bình Do Thái, tổ chức này tuyên bố hơn 350 người, trong đó có 24 giáo sĩ Do Thái, đã tham gia cuộc biểu tình.
Tại Amman, cảnh sát chống bạo động đã đẩy lùi hàng nghìn người biểu tình Jordan định xông vào Đại sứ quán Israel. Cảnh sát cho biết, một số nhân viên của lực lượng này đã bị thương trong các cuộc đụng độ với những người biểu tình đốt tài sản gần đại sứ quán.
Ở Tunis – thủ đô và thành phố lớn nhất của Tunisia, những người biểu tình đốt cờ Israel và Mỹ, đồng thời yêu cầu trục xuất các đại sứ Mỹ và Pháp.
Mỹ ra lệnh trừng phạt, cắt đứt nguồn tài chính của Hamas
Ngày 18/10, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với 10 thành viên của Hamas và mạng lưới tài chính của tổ chức này ở Gaza, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Qatar.
Các biện pháp trừng phạt các thực thể Hamas và liên quan được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cùng ngày tới Israel.
Mục tiêu trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ là các thành viên quản lý danh mục đầu tư của Hamas, đối tượng hỗ trợ tài chính có trụ sở tại Qatar có liên hệ với Iran, một chỉ huy Hamas và một sàn giao dịch tiền ảo có trụ sở tại Gaza.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm cắt đứt các nguồn tài chính của Hamas ở Bờ Tây và Gaza cũng như trong khu vực.
“Chúng tôi có kinh nghiệm lâu dài trong việc cắt đứt nguồn tài chính, và sẽ không ngần ngại sử dụng các phương tiện của mình để chống lại Hamas”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói.
Cho tới nay, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt gần 1.000 cá nhân và thực thể có liên quan tới Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông, bao gồm Hamas và Hezbollah.
“Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Hamas và mạng lưới tài chính của tổ chức này, không phải người dân Palestine”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.
Giavang.net