Chỉ trong hai ngày, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 83 đồng trong khi giá USD ngân hàng tăng 260 – 280 đồng. Theo Kinh tế trưởng MBS, diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây chủ yếu do ảnh hưởng của tính mùa vụ.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới và tiếp tục đi lên trong hôm nay 7/12.
Theo đó, chỉ trong hai ngày, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 83 đồng so với mức công bố cuối tuần trước. Đây bước điều chỉnh tăng mạnh nhất của tỷ giá trung tâm trong hai năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch 85 đồng lên 23.856 đồng và giữ nguyên giá mua ở mức 22.650 đồng so với cuối tuần trước.
Tại các ngân hàng, giá USD cũng tăng vọt 260 – 280 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng với mức tăng khoảng 1,2%.
Ngoài thị trường tự do, giá USD tuy nhiên không có nhiều thay đổi khi duy trì mua – bán USD ở 23.480 – 23.530 VND/USD. Vì vậy, chênh lệch giữa giá USD chợ đen và ngân hàng hiện tại đã thu hẹp về khoảng 300 – 500 đồng/USD so với mức 600 – 700 đồng USD trong cùng kỳ tháng trước.
Tỷ giá USD ngân hàng bật tăng mạnh trong bối cảnh USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh, liên tục đi lên trong những tuần gần đây. Hiện chỉ số này đang dao động quanh vùng cao nhất 16 tháng, là 96,938 điểm khi cả lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đều tăng trở lại trong ngày 6/12.
Theo ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây chủ yếu do ảnh hưởng của tính mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế (trên 10 triệu đồng/lượng) cũng gây áp lực lên tỷ giá do hiện tượng gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng phần nào tạo áp lực lên tỷ giá. Thực tế, NHNN vừa qua cũng đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm nhằm phù hợp với cung cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế.
“Đây là bước đi đón đầu của nhà điều hành nhằm tránh sự điều chỉnh đột ngột, gây sốc cho thị trường”, ông Tuấn đánh giá.
Mặc dù vậy, chuyên gia MBS cho rằng chỉ số US Dollar index chưa tăng quá mạnh và vẫn thấp hơn vùng gần 100 điểm ghi nhận vào đầu năm 2020. Do đó, áp lực tăng từ thị trường quốc tế đối với tỷ giá không phải là quá lớn.
Về lo ngại ảnh hưởng của xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đối với biến động tỷ giá, ông Tuấn cho biết thực tế khối ngoại đã bán ròng gần 60.000 tỷ đồng cổ phiếu kể từ đầu năm nhưng cũng mua ròng 10.000 tỷ trên thị trường trái phiếu. Hơn nữa, lượng tiền thực sự rút ra khỏi Việt Nam không nhiều khi số tiền chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn để trong tài khoản hoặc dùng để tái đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Ngoài ra, trong 11 tháng đầu năm, lượng vốn giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lên tới hơn 17 tỷ USD. Do vậy, cán cân vốn vẫn chưa chịu áp lực gì lớn và ảnh hưởng tới tỷ giá.
Về tổng thể, ông Tuấn đánh giá biến động tỷ giá trong năm nay vẫn duy trì trong khoảng 1%. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán vân tiếp tục thặng dư và thời gian qua gần đây NHNN cũng không mua vào quá nhiều USD, do đó thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng tiếp tục ở trong trạng thái dồi dào. Chính vì vậy, biến động tỷ giá trong thời gian gần đây là chưa đáng quan ngoại.
Theo NDH