Nhiều nền kinh tế lớn đang có tín hiệu hồi phục mạnh, trong đó có Nhật Bản và các nước khu vực châu Âu sử dụng đồng euro (Eurozone).
LHQ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 12/5, Ban kinh tế và các vấn đề xã hội của LHQ (DESA) dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1/2021. Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3,6%.
Theo DESA, sở dĩ cơ quan này cập nhật thay đổi dự báo như vậy trong báo cáo giữa năm 2021 là do hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo Ủy ban Châu Âu, tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 3,8% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 2.
Ủy ban này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay và 4,4% trong năm sau. Ông Gentiloni nêu rõ tác động tiêu cực của COVID-19 đang dần rời khỏi các nền kinh tế châu Âu, dù rằng nguy cơ về tác động vẫn còn hiệu hữu.
Nếu các nền kinh tế EU đạt tăng trưởng, kinh tế châu Âu sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái thứ 2 chỉ chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên, EU dự báo nợ công của Eurozone sẽ lên mức cao kỷ lục, với nợ đọng ở mức trên 100% GDP hằng năm trong 2 năm tới. Nợ công sẽ đặc biệt cao tại Hy Lạp, có thể ở mức 208,8% GDP vào năm 2021 và ở Italy là 159,8% GDP.
Trong báo cáo, DESA lưu ý rằng đối với nhiều quốc gia nhỏ, đại dịch còn lâu mới chấm dứt. Cùng với đó, số ca nhiễm mới trong tháng 4/2021 cao hơn số ca nhiễm được công bố trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 12/2020.
Theo báo cáo, với tình trạng nguy hiểm của đại dịch được dự báo kéo dài, cũng như các dư địa tài chính không còn nhiều, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất của thế giới đang đối mặt với viễn cảnh một thập kỷ suy thoái chưa từng thấy.
Theo nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris, sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine giữa các nước đang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi không đồng đều và dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu. Việc tiếp cận vaccine ngừa đại dịch COVID-19 kịp thời và rộng rãi sẽ tạo ra ý nghĩa khác biệt giữa việc chấm dứt đại dịch và giúp thế giới quay trở lại quỹ đạo phục hồi hoặc thế giới sẽ mất đi các cơ hội, cũng như mất nhiều năm để tăng trưởng trở lại.
Trong ngày 12/5, Chính phủ Nhật Bản cho biết kinh tế nước này đang cải thiện, với xuất khẩu và sản xuất phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 sau khi bị sụt giảm do đại dịch COVID-19.
Lần đầu tiên kể từ tháng 8/2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đánh giá các chỉ số kinh tế ở mức lạc quan nhất trong thang đo 5 mức, sau khi chỉ số điều kiện kinh doanh tăng 3,2 điểm từ mức 93,1 ghi nhận hồi tháng 2. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn mức 94 ghi nhận vào tháng 2/2020 – khi số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng tại Nhật Bản.
Thống kê cũng cho thấy chỉ số hàng đầu về điều kiện kinh doanh, dự báo tình hình trong những tháng tới, tăng 4,3 điểm lên 103,2 trong tháng 3, tăng tháng thứ 10 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 3/2014.
Trước việc chi tiêu dùng suy yếu đáng kể trong thời gian Nhật Bản phải áp đặt tình trạng khẩn cấp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế nước này có thể bị suy giảm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2021. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý cuối cùng trong năm tài chính 2020 (từ tháng 1 đến tháng 3) vào ngày 18/5 tới.
Cùng ngày, dữ liệu thống kê chính thức của Chính phủ Anh cho thấy kinh tế nước này đã tăng trưởng cao hơn dự kiến trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 3, kinh tế Anh đã đạt mức tăng trưởng 2,1%, cao hơn so với dự báo 1,3% của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, trong quý I/2021, GDP của nước này lại giảm 1,5% do phải áp đặt biện pháp phong tỏa lần thứ 3 nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trong bối cảnh nước này đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giới phân tích cho rằng kinh tế nước này đang dần hồi phục.
Tổng hợp