Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 30/1 phát tín hiệu tạm dừng nâng lãi suất và linh hoạt trong việc bán ra tài sản. Đây được xem là một sự dịch chuyển lớn khỏi lập trường thiên về thắt chặt chính sách tiền tệ mà FED cách đây chỉ 1 tháng còn thể hiện.
Theo tin từ Bloomberg, trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định lãi suất trong FED – nói “sẽ kiên nhẫn trong việc xác định xem sự điều chỉnh nào đối với lãi suất mục tiêu trong tương lai là phù hợp”. Tuyên bố này được xem là mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết.
FED cũng cho biết có thể thay đổi lộ trình thu hẹp bảng cân đối kế toán theo hướng chậm lại, hoặc thậm chí chấm dứt sớm nếu cần thiết. Chương trình bình thường hóa bảng cân đối của FED đã được triển khai từ quý 4 năm 2017, bằng cách bán ra các trái phiếu đã mua vào trong thời kỳ khủng hoảng nhằm bơm một số lượng lớn thanh khoản ra để hỗ trợ thị trường theo các gói nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, trước những rủi ro ngày càng tăng lên như hiện, việc rút thanh khoản khỏi thị trường cần được xác định với liều lượng phù hợp hơn nếu không muốn làm giảm tốc nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed là Jerome Powell trong cuộc cuộc họp báo sau đó cũng phát biểu rằng “khả năng tiếp tục nâng lãi suất đã yếu hơn, cũng như cần phải nhận thấy sự cần thiết của việc nâng lãi suất thêm nữa”.
“Tuyên bố này cho thấy FED đã ‘đầu hàng’ thị trường”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Barclays, ông Michael Gapen, nhận định. “Thị trường xem đây như một sự khẳng định rằng FED đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, và khả năng FED dừng việc bán ra tài sản là lớn hơn khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa”.
Dù vậy, Jack Ablin, sáng lập của Cresset Wealth, lại cho rằng: “Có vẻ như FED đang trở nên phụ thuộc vào thị trường hơn là phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế”. Mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt, thị trường việc làm tiếp tục khởi sắc và lạm phát nằm ở mục tiêu đề ra, nhưng với đà lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán vào cuối năm 2018, ngân hàng trung ương này có lý do để lo lắng những hành động “hiếu chiến” của mình có thể khiến nhà đầu tư càng sợ hãi và gây tổn hại đến thị trường chứng khoán và tiếp theo là nền kinh tế.
Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết: “FED đã hứa sẽ kiên nhẫn về việc tăng lãi suất, nhưng điều quan trọng hơn là họ đã khẳng định sẽ không ngần ngại thực hiện các thay đổi để bình thường hóa bảng cân đối. Bảng cân đối kế toán là một công cụ mạnh mẽ hơn nhiều so với lãi suất, và là một công cụ có tác động lớn hơn đến thị trường chứng khoán”.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một trạng thái tốt, nhưng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và châu Âu, vấn đề Brexit, đàm phán thương mại và tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa 5 tuần vừa qua đã gửi đi những tín hiệu trái chiều đối với triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Vào những thời điểm như thế này, công tác quản trị rủi ro theo lẽ thường đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Đó là một cách tiếp cận đã mang lại hiệu quả tốt cho các nhà hoạch định chính sách trước đây”, ông Powell phát biểu.
Toàn bộ 10 quan chức của FOMC bỏ phiếu thuận giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD (federal funds rate) trong khoảng 2,25-2,5%. Quyết định này không nằm ngoài dự báo của giới phân tích.
“Tuyên bố của FED là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các quan chức của ngân hàng trung ương này đang cân nhắc chấm dứt chu kỳ thắt chặt. Tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn những tín hiệu rằng đồng thái tiếp theo sẽ là một đợt nâng lãi suất”, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics nhận xét.
Tổng hợp