(GVNET) – Trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đang chứng kiến những biến động lớn và sự cần thiết của việc cải thiện cơ cấu quản lý thị trường, việc sửa đổi Nghị Định 24/2012 đã trở thành một vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân và doanh nghiệp.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, cho rằng việc xoá độc quyền sản xuất vàng miếng SJC là cần thiết để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế.
Ông Hiếu nhìn nhận khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao, cộng với chênh lệch mua – bán cao là rủi ro cho người mua.
Chưa kể chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới quá cao là cơ hội cho hoạt động buôn lậu gia tăng. Việc nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu khiến những người đầu cơ “gom” USD ở thị trường tự do. Nhu cầu lên cao kéo giá USD nhảy vọt. Hơn nữa, khi giá USD tự do gia tăng cũng sẽ phần nào tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại.
Theo, TS Nguyễn Trí Hiếu, nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới.
“Có thể kiểm soát việc mua vàng bằng cách giao hạn ngạch (quota) trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ, các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền”, TS Hiếu nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng nhập khẩu vàng là cách để bình ổn thị trường nhanh nhất và hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng đang rất nhức nhối hiện nay, cũng như làm cho tỷ giá thị trường “chợ đen’ trong thời gian qua luôn nóng sốt và cao hơn so với tỷ giá trong ngân hàng.
Ông cũng cho răng, nhập khẩu vàng cần nhập khẩu theo hạn ngạch, tức Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối dựa trên thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối hàng năm để cấp hạn mức nhập khẩu vàng phù hợp, tránh việc dùng nguồn lực ngoại tệ quá lớn cho việc nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán cũng như tỷ giá của Việt Nam. Cũng như cần chắt chiu lượng dự trữ ngoại hối hiện tại để ưu tiên cho các việc quan trọng hơn là bình ổn giá vàng, một sản phẩm không thiết yếu và không hỗ trợ gì nhiều cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu không muốn nói là rào cản trong việc huy động nguồn lực trong nền kinh tế cho tăng trưởng.
Việc điều hành bằng hạn ngạch hay đánh thuế đều sẽ có hạn chế. Nếu giá nhập chính ngạch quá cao, hoặc hết quota để nhập thì các tiệm vàng trong nước sẽ tiếp tục nhập vàng qua đường tiểu ngạch, và điều này rất khó quản lý. Vừa qua chúng ta thấy chỉ mới phát hiện 1 đường dây buôn lậu vàng thôi mà giá trị đã lên đến 6 tấn vàng, và chắc chắn đó không phải là đường dây duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng nhấn mạnh nếu không bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước thì khó có giải pháp nào hữu hiệu hơn.
“Nếu không tăng nguồn cung thì không có cách nào giảm chênh lệch giá. Đây là vấn đề cung – cầu, độc quyền nên tắc nghẽn nguồn cung, không giải quyết thì chênh lệch sẽ càng ngày càng tăng. Thị trường 10 năm qua đã chứng tỏ điều này, không có biện pháp hành chính nào có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Hiện tại, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã gửi kiến nghị về giải pháp cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC và DOJI được nhập tổng cộng 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập trong phạm vi có kiểm soát.
Về lâu dài, ông Hiếu đề xuất giải pháp giúp tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi Ngân hàng Nhà nước.
Cơ chế này cho phép Ngân hàng Nhà nước thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Bằng cách này sẽ giúp huy động nguồn lực khoảng 400 tấn vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản bảo đảm để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp chúng ta biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước, tương đương với việc tạo ra nguồn thu thuế rất tốt, lại không sợ những chi phí phát sinh về lãi.
Đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây là tiền đề để các giao dịch vàng được thông suốt và minh bạch. Khi có một sàn giao dịch vàng, lúc đó chúng ta có thể tính đến vấn đề mua – bán vàng từ tài khoản cũng như xuất hiện thêm các sàn phái sinh, tức là mua – bán vàng tương lai.
Tuy nhiên, giải pháp lập sàn giao dịch vàng cần có thời gian thử nghiệm. “Chẳng hạn như thành lập cơ chế sandbox (cơ chế thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn) trước khi đưa vào hoạt động chính thức”, chuyên gia Hiếu đưa đề xuất.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để bình ổn thị trường vàng, cần điều hành theo nguyên tắc thị trường. Trước hết, cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc chống “vàng hóa” không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,… trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Do vậy, theo ông Long, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến khác. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Liên quan tới ý kiến lập sàn giao dịch vàng, ông Huân nêu quan điểm không thực sự đồng tình với quan điểm này. Trước đây chúng ta cũng đã phải đóng các sàn vàng tài khoản bởi những hệ lụy của nó đối với xã hội, cơ bản nó chính là một sòng bạc nơi mọi người cá cược với nhau giá vàng tăng hay giảm và với đòn bẩy cực lớn, người thắng thì ít và người thắng cuối cùng chắc hẳn cũng sẽ là nhà cái, chủ sàn vàng ảo hay vàng tài khoản.
Do vậy, nếu có xây dựng sàn vàng thì nó phải là sàn vàng vật chất thực sự, có giao nhận vàng. Việc xây dựng sàn vàng có thể giúp tránh tình trạng độc quyền cũng như lũng đoạn giá vàng như hiện nay. Nhưng không nên cho phép giao dịch vàng tài khoản vì nó có thể biến các sàn vàng này thành những nơi cá cược đúng nghĩa đen. Và khiến nguồn lực kinh tế chảy vào vàng và những trò đỏ đen thay vì vào nền kinh tế thực.
Theo ông Huân, để chênh lệch giá vàng thấp trong dài hạn thì cần xóa bỏ độc quyền, cho phép nhập khẩu vàng theo quota và nghiên cứu xây dựng sàn vàng vật chất để tránh tình trạng lũng đoạn và chi phối giá vàng trong nước.
Chúng ta cần phải vừa dung hòa và bình ổn thị trường vàng những cũng vẫn phải kìm hãm thị trường này để nó không trở nên quá phổ biến, vì vàng hóa nền kinh tế không hề tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Tổng hợp