28 C
Hanoi
08/05/2024
Image default
Chứng khoán Chứng khoán Việt Nam Tin mới nhất

Việt Nam có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số

Với hơn 7 triệu tài khoản – tương đương khoảng 7% dân số, con số này đã vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3, đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu. Con số này tương đương khoảng 7% dân số cả nước, vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều người mở hơn một tài khoản.

Với 39.802 tài khoản mở trong tháng 3 đã tiếp tục cho thấy xu hướng suy giảm số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo thống kê, tháng 3/2023 là tháng thứ 7 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới. Giảm sâu so với giai đoạn bùng nổ giữa năm 2020. Như cao điểm trong tháng 5/2022 đã ghi nhận kỷ lục hơn 476.000 tài khoản đăng ký mới.

Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư đã tham gia thận trọng trong bối cảnh biến động khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022.

Một số chuyên gia cho rằng lượng tài khoản giảm sâu phản ánh sự khó khăn nhất thời của thị trường chứng khoán. Về dài hạn, lượng tài khoản có thể tăng mạnh bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau. Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, từng dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán sẽ tăng lên 15 triệu trong một thập kỷ tới.

Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu năm 2023 với nhiều biến động, tăng, giảm đan xen do sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế. Dù thách thức vẫn lớn, tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, thị trường đang có nhiều cơ hội hơn để hồi phục và phát triển ổn định hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....