Ngày 4/7, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu (Global Economics & Market Research) của Ngân hàng UOB (Singapore) công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2023 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm xuống còn 5,2% dựa trên những thách thức phía trước.
Dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6/2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý II/2023 của Việt Nam đạt 4,14%, cao hơn so với mức dự báo chung được nhiều tổ chức đưa ra (3,8%) nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2023 (5,9%) của UOB.
Với mức tăng này, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã tăng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 6,46% trong nửa đầu năm 2022.
Theo đó, nền kinh tế sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% được đặt ra hồi đầu năm và thấp hơn đáng kể so với dự báo 6% được ngân hàng này đưa ra trước đó.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm này, theo UOB, tiếp tục đến từ hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm, vốn đã xảy ra kể từ đầu năm 2023 và ở khắp các nền kinh tế xuất khẩu chủ chốt ở châu Á khi chính sách thắt chặt ở các thị trường phát triển siết chặt nhu cầu, cộng với căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra gây khó khăn lên các hoạt động của chuỗi cung ứng.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do không có tháng nào tăng kể từ cuối năm 2022. Tổng cục Thống kê cũng công bố sản lượng điện thoại thông minh, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đã giảm 27,1% so với cùng kỳ xuống còn 39,8 triệu chiếc, trong khi sản lượng hàng may mặc giảm 2,9% và sản lượng giày dép giảm 4,1% trong quý.
Ngược lại, ở trong nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong nửa đầu năm nay tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong khi giá tiêu dùng bình quân trong kỳ tăng 3,29%. Tốc độ lạm phát đã giảm bớt mặc dù nhu cầu trong nước còn mạnh mẽ.
Về triển vọng những tháng cuối năm, UOB cho rằng mặc dù các lĩnh vực trong nước đã hoạt động tốt lên, đặc biệt với các biện pháp tích cực gần đây bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản và thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ. Những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như lĩnh vực sản xuất và ngoại thương sẽ cần trở lại bình thường để đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Dựa trên các yếu tố trên và quỹ đạo hiện tại, báo cáo điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,2% (từ dự báo trước đó là 6,0% và cuối năm 2022 là 8,0%); đặc biệt là quý IV/2023 sẽ rất thách thức với nền so sánh cao với cùng kỳ năm trước.
Thậm chí, trong bối cảnh rủi ro suy giảm vẫn còn ở phía trước, nếu xuất khẩu hoặc sản xuất không có bất kỳ cải thiện đáng kể nào trong những tháng tới, UOB cho rằng dự báo tăng trưởng 7% trong quý III/2023 cũng như dự báo cả năm là 5,2% gặp thách thức.
Trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, NHNN đã hành động quyết liệt hơn UOB dự đoán, bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản vào tháng 6 xuống còn 4,5%. Trước đó, UOB đã dự kiến việc cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2023. Với những hành động này, NHNN đã thiên về chính sách nới lỏng hơn và nhiều khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong quý III/2023.
Hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, cũng như niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay. Do đó, UOB dự đoán lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023 trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động.
Giavang.net