Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hôm nay 31/5 đã leo lên mức cao nhất trong 5 năm so với rổ tiền tệ của các đồng tiền đối tác chủ chốt, gây áp lực lên xuất khẩu của nền kinh tế này, bất chấp việc các quan chức tiếp tục cảnh báo chống lại tình trạng đầu cơ quá mức.
Cựu quan chức quản lý ngoại hối Guan Tao đã cùng một loạt quan chức đương nhiệm và cựu quan chức khác của Trung Quốc trong một bài bình luận trên Tạp chí Chứng khoán chính thức của Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo chống lại giao dịch đầu cơ bằng đồng nhân dân tệ.
Ông Guan, một cựu quan chức cấp cao của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), viết: “Gần đây, có những dấu hiệu gia tăng về sự ‘dẫn dắt’ theo chu kỳ trên thị trường ngoại hối trong nước.
Ông nói rằng ai đó kỳ vọng về sức mạnh bền vững của đồng nhân dân tệ “không chỉ gây hại cho hoạt động có trật tự của thị trường ngoại hối, mà còn làm gia tăng gánh nặng tài chính của lĩnh vực xuất khẩu.”
Bình luận của ông Guan được đưa ra sau khi một cựu quan chức ngân hàng trung ương nói với hãng thông tấn Tân Hoa xã rằng đồng nhân dân tệ có thể đã tăng giá quá nhanh so với đồng USD và đà tăng là không bền vững.
Bản tin Tài chính do Ngân hàng trung ương công bố cũng cảnh báo những yếu tố có thể khiến CNY suy yếu trở lại so với USD, và các nhà quản lý tiền tệ Trung Quốc tuần trước đã lên tiếng cảnh bảo sẽ xử lý nghiêm khắc hành vi thao túng thị trường ngoại hối, đồng thời nhắc lại rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ không có sự thay đổi.
Cụ thể, bản tin này cảnh báo những yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn tới sự giảm giá của CNY bao gồm những thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sự hồi sinh mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, các nước kiểm soát được dịch Covid-19 và bùng nổ bong bóng tài sản ở Mỹ.
Chuỗi bình luận chính thức kể trên được đưa ra sau khi đồng CNY tuần qua tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2020 so với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt, mặc dù đã có những lo ngại về việc đồng tiền này bị mua quá mức.
Hôm nay 31/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nâng tỷ giá tham chiếu đồng CNY lên mức cao nhất 3 năm, là 6,3682 CNY/USD trước khi thị trường giao dịch mở cửa. Mức này cao hơn 176 pip so với ngày thứ Sáu (28/5) và là mức cao nhất kể từ 17/5/2018.
Việc CNY tăng giá liên tiếp đã đẩy chỉ số CNY so với rổ tiền tệ của các đối tác chủ chốt lên 98,22, cao nhất kể từ 29/3/2016 (hơn 5 năm). Các nhà đầu tư trên thị trường đã coi mốc 98 là mức trần của rổ này, bởi cao hơn ngưỡng đó sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc so với các đối tác thương mại.
Tại Việt Nam hôm nay, tỷ giá giá đồng CNY tại các ngân hàng thương mại biến động trái chiều. BIDV niêm yết CNY ở mức 3.567 – 3.672 VND/NDT (mua vào – bán ra), tăng 3 đồng ở chiều mua vào và 4 đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua; trong khi đó VietinBank niêm yết CNY ở mức 3.579 – 3.689 VND/NDT (mua vào – bán ra), giảm 2 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua.
CNY đã vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng (6,4 USD) vào tuần trước, nhưng tốc độ tăng có vẻ đã chậm lại sau một số cảnh báo của các quan chức tài chính.
Sáng nay 31/5, CNY giao ngay trên thị trường nội địa Trung Quốc tăng lên 6,3611 CNY, cao nhất kể từ 18/5/2018, trước khi giảm nhẹ về mức 6,3627 CNY vào lúc trưa nhưng vẫn cao hơn 47 pip so với phiên trước.
Đồng CNY trên thị trường quốc tế cũng tăng lên 6,3565 CNY/USD, cao nhất kể từ ngày 23/5/2018, trước khi về mức 6,3585 CNY.
“Đối với giao dịch liên ngân hàng, các nhà giao dịch đang chú ý đến các bình luận và thái độ chính thức cũng như động thái của ngân hàng nhà nước “, một giao dịch viên trưởng tại một ngân hàng nước ngoài ở Thượng Hải cho biết.
Ông này thêm rằng, việc CNY tăng giá có thể gặp một số lực cản khi các công ty nước ngoài mua USD để chi trả cổ tức cho đợt chi trả sắp tới.
“Một số công ty đã mua USD từ giữa tháng 5, nhưng những dòng chảy này vẫn chưa kết thúc. Một số công ty đang theo dõi thị trường và chờ đợi giá tốt hơn.”
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng ING ở Hồng Kông, cho biết trong một lưu ý rằng sự không chắc chắn của đồng CNY khiến các công ty lo n gại, nhưng cũng không nên bỏ qua những cảnh báo từ PBoC về sự biến động tỷ giá.
“Chúng tôi tin rằng PBoC đang thử mức độ biến động mà thị trường có thể chịu đựng để xem hành vi của những người tham gia thị trường sẽ mua hay bán đồng nhân dân tệ như thế nào. PBoC có thể sử dụng các công cụ định hướng (các tổ chức tài chính) để định hướng thị trường”, nhà kinh tế Pang nói.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra vào đầu năm ngoái, song mức tăng của đồng nhân dân tệ phần lớn là do đồng USD suy yếu liên tục. Các nhà đầu tư đã tăng đặt cược rằng CNY sẽ tăng giá hơn nữa sau khi PBoC không tỏ ra lo lắng về việc CNY tăng giá gần đây. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh lớn đã mua mạnh USD vào đầu tuần trước trong một động thái được coi là một nỗ lực để kiềm chế mức tăng nhanh của đồng nhân dân tệ.
Sheng Songcheng, cựu giám đốc bộ phận khảo sát và thống kê của PBoC, cho biết mức tăng quá mức của đồng nhân dân tệ báo hiệu sự đầu cơ trong ngắn hạn và không bền vững. Ông đã nói: “Chúng tôi sẽ ngăn chặn dòng tiền trong ngắn hạn tràn vào đẩy đồng nhân dân tệ lên và làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty xuất khẩu.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xử lý hành vi thao túng thị trường ngoại hối và cho biết tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ không thể được sử dụng như một công cụ để kích thích xuất khẩu cũng như để bù đắp tác động của việc giá hàng hóa tăng cao.
Giá các mặt hàng chủ chốt bao gồm các sản phẩm thép và đồng đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm, làm giảm lợi nhuận của các công ty trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao cũng làm dấy lên lo lắng về áp lực lạm phát và tác động tiềm tàng của chúng đối với chính sách tiền tệ.
Ông Sheng cho biết: “Đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty xuất khẩu, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ,” và việc tăng giá nhanh cũng sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế vì các công ty sẽ bị phân tâm khỏi hoạt động kinh doanh chính của họ và chuyển sang đầu cơ.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp
Theo Nhịp sống kinh tế