Tâm lý nhà đầu tư có vẻ đã chùng xuống sau khi dịp cuối tuần xuất hiện nhiều phân tích thận trọng hơn về động thái giảm lãi suất điều hành. Cú sốc giá dầu của phiên châu Á đã thổi lửa vào nhóm dầu khí, nhưng không đủ kích hoạt đà tăng tốt hơn.
Tính đến 9h40, VN-Index tăng 0,87 điểm (0,09%) lên 988,09 điểm; HNX-Index giảm 0,22% xuống 101,98 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23% xuống 56,59 điểm.
Hai diễn biến trái ngược nhau sáng nay là nhóm ngân hàng dẫn dắt phiên trước bất ngờ quay đầu giảm và phân hóa khá mạnh. Cùng với đó là cổ phiếu dầu khí nhận được động lực đột biến từ giá dầu thế giới. Giữa hai biến động trái chiều này, cổ phiếu còn lại nhìn chung giao dịch kém sôi động.
VCB giảm 0,61%, TCB giảm 0,22%, EIB giảm 1,19%, trong khi STB, VPB chỉ tham chiếu. Số tăng có BID tăng 1,76%, CTG tăng 0,48%, HDB tăng 0,38%, MBB tăng 0,86%.
Tất cả cổ phiếu ngân hàng đều có dấu hiệu hụt hơi theo thời gian, bất chấp nhiều mã vẫn đang trên tham chiếu. BID mạnh nhất nhóm thì cũng đã tụt nhẹ, mức tăng cao nhất tới 2,38%. VCB suy yếu rất đáng kể, mức tăng đầu phiên tới 0,98%. TCB ban đầu cũng tăng 0,44%….
Cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index sáng nay là GAS. Cả nhóm dầu khí đều tăng mạnh nhờ biến động đột ngột của giá dầu thế giới. Do ảnh hưởng từ vụ đánh bom nhà máy dầu tại Saudi Arabia, nguồn cung dầu mỏ dự kiến thiếu hụt khiến nhà đầu cơ trên thị trường dầu mua vào đột biến. Giá dầu mở cửa trên thị trường châu Á có lúc tăng gần 20% và đến giữa trưa, dầu Brent vẫn đang tăng hơn 10%, dầu WTI tăng gần 9%.
GAS mở cửa đã tăng 2,97%, PLX tăng 1,94%, PVD tăng 4,55%, PVS tăng 3,59%. Các mã này sau đó đồg loạt tăng cao hơn nữa. GAS đạt đỉnh tăng 3,07%, PLX tăng 2,27%, PVD tăng 4,55%, PVS tăng 6,67%. Tuy nhiên cũng giống các mã ngân hàng, cổ dầu khí thu hẹp dần đà tăng. Chốt phiên GAS còn tăng 2,18%, PLX tăng 1,46%, PVD tăng 3,13%, PVS tăng 4,1%.
Vốn hóa của GAS lúc chốt phiên sáng tăng thêm hơn 4.400 tỷ đồng, đem lại cho VN-Index khoảng 1,3 điểm tăng. Tiếp sau là VIC tăng 0,9%, đem lại gần 1,1 điểm. BID chỉ đứng thứ 3 với 0,7 điểm. Mặc dù VIC tăng không nóng nhưng vốn hóa của mã này rất cao.
VNM hôm nay điều chỉnh giá nên thực tế là tăng 0,67%. Các mã giảm có ảnh hưởng là VCB, TCB, NVL giảm 0,49%, HPG giảm 0,66%, BVH giảm 0,4%.
VN-Index cũng chỉ tăng 0,34% với 139 mã tăng/146 mã giảm. Độ rộng cho thấy thị trường chỉ ở mức cân bằng chứ không bùng pháp như phiên trước. HSX chí có hơn 60 cổ phiếu tăng quá 1% và khoảng 80 mã giảm quá 1%. Mặt bằng cổ phiếu như vậy là yếu. Midcap chỉ tăng 0,15%, Smallcap tăng 0,01%. Nhóm mạnh nhất chính là các blue-chips, nhưng cũng không có đủ lực để tạo mức tăng lớn hơn trên các chỉ số.
Sàn HNX trái chiều trên hai chỉ số do ảnh hưởng của ACB giảm 0,88%. HNX-Index phải giảm 0,02% dưới ảnh hưởng của mã này dù cũng có 53 mã tăng/58 mã giảm. HNX30 lại tăng 0,72% với 12 mã tăng/9 mã giảm. PVS tăng 4,1%, VCS tăng 2,73%, VCG tăng 0,38%, , PVC tăng 1,41% là những mã khá mạnh.
Diễn biến sáng nay cho thấy thị trường đã bình tĩnh trở lại sau khi đón nhận tin sốc về giảm lãi suất. Tác động thực tế tới dòng vốn cần có thời gian để nhìn thấy. Đà tăng sau 3 phiên mạnh áp lực chốt lời ngắn hạn cũng tăng lên. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt sáng nay bị ép khá mạnh đã cho thấy nhu cầu chốt lời ngắn hạn rất rõ.
Thanh khoản sáng nay tăng hơn 7%, đạt 1.736,8 tỷ đồng. MWG là mã thanh khoản nhất với gần 102 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Cổ phiếu này theo gót FPT vượt đỉnh cao lịch sử trong nhóm các mã làm cơ sở cho chứng quyền. MBB, VJC, PVS là các mã khác thanh khoản khá cao.
Khối ngoại giao dịch mạnh nhưng cân bằng sáng nay. HSX được giải ngân 347,6 tỷ đồng, bán ra 357,4 tỷ đồng. VN30 được mua 301 tỷ đồng, bán 293,3 tỷ đồng. HNX mua 1,2 tỷ, bán 4,2 tỷ. Các mã được mua ròng tốt nhất là HPG, DXG, VJC, BID, PC1. Phía bán ròng có VRE, HQC, TDH, PVD, POW, STB, SSI, VNM, HDB.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,38 điểm (0,34%) lên 990,6 điểm; trong khi HNX-Index vẫn giảm nhẹ 0,01% xuống 102,18 điểm và UPCoM-Index giảm 0,22% xuống 56,59 điểm.
Tổng hợp