Tính theo giá chào sàn thì ROS hôm nay chốt phiên sáng ở mức sàn 11.300 đồng đã là giá thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên nếu tính theo giá điều chỉnh thì khoảng 3 phiên sàn nữa là toàn bộ nhà đầu tư mua và nắm giữ ROS trên sàn đều “của thiên trả địa”.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 0,58 điểm (0,06%) xuống 967,96 điểm; HNX-Index tăng 0,46% lên 102,75 điểm; UPCoM-Index tăng 0,22% lên 55,68 điểm.
Cổ phiếu ROS chào sàn ngày 1/9/2016 ở mức 12.600 đồng nhưng giá sau đó đã điều chỉnh lại khi phát hành thêm nên mức chào sàn còn hơn 9.500 đồng. Chỉ trong 12 phiên giao dịch gần nhất, ROS đã giảm sàn tới 10 phiên và chốt phiên sáng hôm nay, giá tiếp tục giảm sàn xuống mức 11.300 đồng.
Hành trình lao dốc của ROS là cực kỳ sốc vì không có chuyện doanh nghiệp nào thay đổi chóng mặt đến mức chỉ 12 phiên bốc hơi gần 50% giá trị cổ phiếu. Không chỉ vậy, diễn biến giá cổ phiếu ROS thay đổi không liên quan gì đến hoạt động của doanh nghiệp trong suốt lịch sử. Từ mức chào sàn hơn 9.500 đồng (giá điều chỉnh), ROS tăng lên cao nhất gần 187.500 đồng ngày 2/11/2017, tức là chỉ trong hơn 14 tháng. Từ đỉnh cao này đến hôm nay, ROS lại giảm xuống 11.300 đồng. Giá cổ phiếu phồng lên xẹp xuống mạnh đến mức không có bất kỳ yếu tố cơ bản nào của doanh nghiệp có thể lý giải được.
Đặc biệt điều khó hiểu ở cổ phiếu này là trong quý 3/2019 liên tục thiết lập các kỷ lục về thanh khoản, thậm chí có những ngày giao dịch gần ngàn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ phải có dòng tiền đầu cơ cực lớn ở cổ phiếu này. Đột nhiên 3 tuần trở lại đây dòng tiền này mất hút khiến cổ phiếu giảm sàn liên tục, cổ đông muốn tháo chạy cũng không xong. Gần đây nhất là phiên ngày 7/1/2020, ROS đột nhiên xuất hiện cả ngàn tỷ chặn mua và đó là phiên đảo chiều tăng duy nhất.
Phiên giao dịch hôm nay là phiên giảm sàn thứ 4 liên tục và do đó chưa cần phải giải trình về biến động giá. ROS cũng có vài thời điểm thoát giá sàn, thậm chí lên cao nhất 12.100 đồng nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi được giá sàn. ROS hiện đang có hơn 2 triệu cổ phiếu bán tháo giá sàn nhưng gần như đã mất thanh khoản từ 10h30 trở đi. ROS đã không có bất kỳ phiên phục hồi nào quá 1 ngày, khiến toàn bộ nhà đầu tư bắt đáy đều thua lỗ.
Diễn biến của ROS có ảnh hưởng không nhỏ tới các cổ phiếu đầu cơ có liên quan. FLC sáng nay cũng giảm 2,38%, AMD giảm 2,75%, HAI giảm 5,97%… Thị trường điều chỉnh nhẹ sáng nay nhưng các mã giảm nhiều nhất là hàng đầu cơ. Chỉ số VnSmallcap giảm 0,61% trong khi Midcap giảm 0,03%, VN30-Index giảm 0,22% và VN-Index giảm 0,12%.
Nhóm blue-chips chứng kiến phiên điều chỉnh của các mã ngân hàng dẫn dắt. Nhóm này sau khi tăng rất tốt những ngày qua đã quay đầu giảm đồng loạt: BID giảm 1,95%, TCB giảm 1,08%, VCB giảm 0,22%, STB giảm 0,95%, VPB giảm 0,48%, HDB giảm 1,25%, CTG giảm 0,21%.
Điều khá may mắn là ảnh hưởng của nhóm ngân hàng chưa thực sự lớn. Hiện mới có BID gây áp lực nhiều nhất, lấy đi 1,2 điểm của VN-Index. Trong khi đó mã lớn nhất là VCB chỉ giảm nhẹ. Các trụ khác cũng vậy: VNM giảm nhẹ 0,25%, GAS giảm 0,63%.
VHM lại nổi lên là trụ bù điểm cho nhóm ngân hàng, khi tăng 2,6%. Một mình VHM gần như cân lại cho cả nhóm ngân hàng và giúp VN-Index chỉ mất hơn 1 điểm. VIC trụ được tham chiếu, SAB tăng nhẹ 0,17%, MSN tăng 0,18%, HPG tăng 0,41%.
Rổ VN30 hiện đang có 9 mã tăng/17 mã giảm, xác nhận nhóm blue-chips đang điều chỉnh. Cả sàn HSX có 108 mã tăng/185 mã giảm, trong đó khoảng 90 mã giảm trên 1%.
Sàn HNX cũng đang giảm nhẹ nhưng cũng may là ACB, SHB đều tham chiếu. Chỉ có PVS giảm 1,09%, VCG giảm 1,17% là đáng kể. HNX-Index giảm nhẹ 0,12% với 29 mã tăng/44 mã giảm. HNX30 giảm 0,34% với 7 mã tăng/11 mã giảm.
Khối ngoại sáng nay mua bán cân bằng, giải ngân 226,4 tỷ đồng trên HSX và bán 213,9 tỷ đồng. VN30 mua 172,6 tỷ, bán 150,1 tỷ đồng. HNX mua không đáng kể, bán 3,1 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng tốt là HPG, ROS, STB, DPM và chứng chỉ quỹ E1. Phía bán ròng có NLG, PVD, CTG.
Thị trường điều chỉnh nhẹ và đang có sự cân bằng tinh tế giữa các cổ phiếu trụ giúp điểm số không bị thiệt hại nhiều. Nhóm ngân hàng bị chốt lời sau khi tăng mạnh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên thanh khoản lại không cao cho thấy áp lực xả cũng tương đối yếu. Hiện CTG đang có thanh khoản cao nhất nhóm và cao nhất thị trường với 78,8 tỷ đồng. BID thanh khoản rất thấp với gần 16,8 tỷ. Tổng giá trị khớp hai sàn giảm hơn 31%, chỉ đạt 1.197,8 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,14 điểm (-0,12%), xuống 967,4 điểm; HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,12%), xuống 102,1 điểm; UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,21%), lên 55,67 điểm.
Tổng hợp