Vùng hỗ trợ của thị trường có thể ở khu vực 900 – 925 điểm tương ứng với các mức fibonacci 61,8% và 78,6%.
Dừng lúc đóng cửa, VN-Index giảm 10,02 điểm còn 930,73 điểm, cùng với đó chỉ số VN30 sụt 10,62 điểm xuống 852,87 điểm. Độ rộng thị trường ghi nhận toàn thị trường có 122 mã tăng/ 220 mã giảm, ở rổ VN30 có 3 mã tăng, 22 mã giảm và 5 mã giữ tham chiếu.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiếu cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay là BID, VCB và VHM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 3,05, 1,19 và 0,78 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là GAS, BHN và DHG khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 0,45, 0,19 và 0,14 điểm tăng.
Thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất từ ngày 20/1/2020 chỉ đạt 2.200 tỉ đồng. Thanh khoản thấp là điều dễ hiểu sau khi thị trường đã có 3/5 phiên tăng ở tuần trước và nhà đầu tư chủ động chốt lời khi thị trường tiến về vùng cản 940 – 945 điểm. Giao dịch khối ngoại là một điểm cộng khi ghi nhận giá trị mua ròng gần 30 tỉ đồng trên toàn thị trường.
Thị trường vẫn đang dao động trong nhịp hồi phục vì vậy các phiên rung lắc khi lượng hàng bắt đáy về tài khoản như hôm nay thường diễn ra. Chỉ số VN-Index đã tìm được vùng cân bằng ở mức fibonacci 61,8% tương ứng xung quanh mốc 924 điểm.
Thị trường được dự báo sẽ gặp nhiều nhịp rung lắc trong tuần này khi tiến về ngưỡng fibonacci 50% ở khu vực 945 điểm, đây là vùng hỗ trợ cứng của thị trường trong phần lớn thời gian năm 2019 và bây giờ có thể trở thành vùng kháng cự quan trọng trong quá trình hồi phục của thị trường.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán 11/2:
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể quay trở lại đà tăng và các chỉ số chính có thể biến động hẹp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu sớm bước vào giai đoạn tích lũy và dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Ngoài ra, tỉ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức hiện tại cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu hiện tại và tìm kiếm cơ hội ở từng mã.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
VN-Index đang có dấu hiệu hình thành dao động đi ngang trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920 – 922 điểm và vùng kháng cự 936 – 942 điểm trong ngắn hạn. Một sự phá vỡ tại 2 điểm cận này sẽ mở ra một nhịp biến động mới cho thị trường.
Chỉ số dự báo giảm về kiểm định vùng hỗ trợ 920 – 922 điểm trong một vài phiên tới. Tại đây, thị trường được kì vọng sẽ có sự hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, vùng điểm trên bị xuyên thủng, chỉ số có thể sụt giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 898 điểm trong ngắn hạn.
Diễn biến dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường là điều vẫn cần phải tính đến.
Chứng khoán KIS Việt Nam
Áp lực bán trên nhóm cổ phiếu lớn đẩy tâm lý thị trường bi quan trở lại. Rủi ro điều chỉnh được duy trì ở mức cao, do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng đứng bên ngoài quan sát và chờ tín hiệu xác nhận.
Tổng hợp