Mở cửa phiên giao dịch thứ Hai tại thị trường châu Âu, USD tăng giá khá tốt so với nhóm tiền tệ hàng hóa nhưng lại yếu đi so với yên Nhật, EUR…
Nhu cầu trú ẩn an toàn bằng đồng bạc xanh vẫn hiện hữu do dịch Covid-19 đang bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và kinh tế toàn cầu.
Ấn Độ đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, do một chủng vi rút mới có tốc độ lây lan cực nhanh có nguồn gốc từ đây, với khoảng 400 nghìn ca mắc mỗi ngày.
Mặc dù Ấn Độ xác nhận sự sụt giảm các trường hợp nhiễm coronavirus mới vào thứ Hai, nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới Soumya Swaminathan đã nói trên tờ Hindu rằng “vẫn còn nhiều vùng của đất nước chưa trải qua thời kỳ đỉnh dịch”.
Thêm vào đó, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan đều đã công bố các biện pháp hạn chế mới khi họ cố gắng chống lại các đợt bùng phát mới, làm dấy lên lo ngại chủng Covid-19 từ Ấn Độ đang lan rộng khắp châu Á.
Tuy nhiên, lực cầu USD vẫn bị chi phối giới thương nhân chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang được công bố, đặc biệt là sau khi dữ liệu bất ngờ về lạm phát vào tuần trước.
“Mặc dù giá cả tăng vọt là một hiện tượng rõ ràng trên toàn thế giới và chúng tôi đồng ý rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn (có thể là vào quý I năm 2023 chứ không phải vào năm 2024 như Fed dự báo hiện tại) thì một sự thắt chặt sắp xảy ra từ Fed dường như khó xảy ra”, các nhà phân tích tại ING cho biết trong một ghi chú.
“Điều này có nghĩa là trong những tháng tới, các động lực chính của USD sẽ là lãi suất thực trước mắt tiêu cực và nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi”.
Đồng nhân dân tệ gặp khó sau các thông tin kinh tế cho thấy sản lượng sản xuất tại các nhà máy tháng 4 đã tăng trưởng chậm lại và doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn nhiều dự báo của thị trường.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 16h46 giờ Việt Nam, tức 9h48 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, lùi 0,05% về mức 90,275.
Bảng Anh không nhiều biến động, cặp GBP/USD cộng 0,01% đạt ngưỡng 1,4097.
Đồng tiền chung khởi động tuần mới khá tích cực, cặp EUR/USD tiến 0,10% giao dịch ở 1,2152.
Yên Nhật hồi phục khá cầm chừng sau đợt giảm sâu, cặp USD/JPY mất 0,15% giá trị, về 109,18.
Franc Thụy Sỹ nhích nhẹ trong ngày thứ Hai, cặp USD/CHF định tại 0,9005 (-0,07%).
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm không nhiều, cặp USD/CNY ở mức 6,4400 (+0,05%).
USD tăng đáng kể so với nhóm tiền tệ hàng hóa, gồm đô la Úc, New Zealand và Canada. Cụ thể, USD/AUD vọt 0,39%, lên ngưỡng 1,2890. Tỷ giá USD/NZD cộng 0,65%, đạt 1,3867. Trong khi đó, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,2109 (+0,06%).
Giavang.net