Khủng hoảng Covid-19 khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng không còn dừng lại ở đấu khẩu, mà đặt ra bài kiểm tra thực tế cho các ứng viên.
Dịch COVID-19 là chủ đề nóng nhất trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu đảng Dân chủ hôm 16-3 (giờ Việt Nam). Cụ thể, cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ giữa cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders bao trùm hàng loạt chủ đề đối nội, đối ngoại nhưng tranh luận về giải pháp ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch vẫn là vấn đề thường xuyên được nhắc đến.
Từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ người từ 26 quốc gia châu Âu đến Mỹ, trong vòng 30 ngày nhằm ngăn nCoV lây lan, nói thêm rằng chính quyền sẽ tung gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp, đồng thời trấn an người dân rằng “đây chỉ là khoảnh khắc nhất thời mà nước Mỹ cũng như thế giới sẽ vượt qua”.
Chỉ vài giờ sau, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, đề xuất kế hoạch chi tiết và một loạt mục tiêu về xét nghiệm, tăng cường năng lực cho các bệnh viện và thúc đẩy hoàn thành vaccine ngừa nCoV. “Chủng virus này phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của chính quyền đương nhiệm. Nỗi sợ hãi trong cộng đồng ngày càng tồi tệ, xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào Tổng thống”, Biden nói.
Hai giờ sau bài phát biểu của Biden, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ của Biden trong đảng Dân chủ, cảnh báo số người Mỹ tử vong vì nCoV có thể vượt số lính Mỹ chết trong Thế chiến II. “Chúng ta có một chính phủ gần như không đủ năng lực. Sự kém cỏi và liều lĩnh của họ đã đe dọa cuộc sống của rất nhiều công dân”, ông cho hay.
Cơ hội mới cho phe Dân chủ
Được biết cuộc tranh luận trên diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump đang chịu nhiều sức ép lớn. Đảng Dân chủ, giới chức y tế và người dân liên tục chỉ trích ông Trump về tốc độ tiến hành xét nghiệm cũng như những phản ứng không kịp thời đối với bệnh dịch.
COVID-19 đã đem lại cơ hội vô giá cho các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Trước khi dịch bệnh bùng phát, phe này bị đánh giá là hoàn toàn lâm vào thế bị động trước ông Trump khi hàng chục người tham gia ứng cử nhưng không ai đưa ra được một thông điệp nào mới mẻ hoặc ít nhất là đủ sức cạnh tranh với các thành tựu kinh tế vượt trội của ông Trump.
Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ là một bài toán thực tế để các ứng viên Dân chủ làm lại từ đầu, điều chỉnh lại chiến dịch tranh cử và thể hiện khả năng lãnh đạo trước một xã hội Mỹ đang hoảng loạn. So với ông Trump phải hành động cụ thể vì đang cầm quyền, hai người kia chỉ cần đưa ra ý tưởng giải pháp. Họ chỉ cần thuyết phục cử tri Mỹ tin vào tính khả thi và hiệu ứng thực tế của những ý tưởng đối phó với dịch bệnh của họ.
Họa vô đơn chí – ông Trump bị giáng đòn mạnh
Cách đây hơn một tháng, mọi chuyện vẫn còn tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dịch bệnh COVID-19 lúc đó còn được xem là một lợi thế bất ngờ giúp Mỹ vượt mặt Trung Quốc. Ông Trump vẫn còn liên tục khoe các kỳ tích về kỷ lục trên thị trường chứng khoán, về tăng trưởng, về tỉ lệ thất nghiệp giảm…
Đến khi dịch bệnh lan rộng ở Mỹ, ông Trump bị đặt vào tình thế đứng ngồi không yên khi nguy cơ toàn bộ công sức xây dựng suốt nhiệm kỳ qua sụp đổ hoàn toàn trong thời gian tới.
Ngay lập tức, ông Trump buộc phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp để có những quyết sách nhanh chóng và mạnh mẽ với ưu tiên trước mắt là bảo vệ sức khỏe người dân Mỹ dù một số ý kiến vẫn nghi ngại rằng động cơ của ông Trump thực chất nhằm cứu vớt nền kinh tế.
Hiện kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới đã có một số dấu hiệu khởi sắc nhất định sau hàng loạt động thái hỗ trợ quyết liệt từ giới chức Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 15-3 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất tiêu chuẩn xuống mức gần bằng 0, động thái chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Fed cũng công bố kế hoạch mua 700 tỉ USD trái phiếu chính phủ nhằm bình ổn các thị trường tài chính. Dù vậy, để kinh tế tăng trưởng trở lại cho kịp kỳ bầu cử vào tháng 11 năm nay sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho chính quyền ông Trump.
Tổng hợp