Theo khảo sát MLIV Pulse của Bloomberg đối với 404 nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân, 2/3 người được hỏi cho biết sẽ tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư thay vì giảm tỷ trọng.
Sức hấp dẫn của tiền mặt nói lên nhiều điều trong môi trường kinh tế và tài chính bất ổn. Các nhà đầu tư lo ngại về một thị trường chứng khoán suy yếu, những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và rủi ro suy thoái kinh tế.
Nói với Bloomberg, ông Michael Wilson – Giám đốc chiến lược vốn tại Mỹ của Morgan Stanley – cảnh báo rằng chỉ số S&P 500 có thể sụt giảm 20% trong năm nay vì lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc.
Trong bối cảnh đó, tiền mặt trở thành nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt là khi lãi suất trái phiếu kho bạc ngắn hạn của Mỹ tăng lên, khiến danh mục 60/40 cổ phiếu và trái phiếu có thành tích kém vượt trội lần đầu tiên kể từ năm 2001. Ngay cả các khoản tiết kiệm có lãi suất cao cũng mang về cho người gửi mức lãi 4%.
“Chúng tôi khuyến khích khách hàng rằng việc giữ tiền mặt là điều bình thường và đây không phải điều gây áp lực cho danh mục đầu tư. Bạn có thể nhận được mức lợi suất tốt và thị trường sẽ còn nhiều biến động, cùng nhiều cơ hội để đầu tư số tiền đó hiệu quả hơn”, Leo Kelly, CEO của Verdence Capital Advisors khuyến nghị.
Đương nhiên, nhà đầu tư có thể sẽ gặp khó khăn khi giữ tiền mặt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, theo Rachel Elson, cố vấn tài sản tại Perigon Wealth Management. Tuy nhiên, đối với những khách hàng biết rõ phải tiết kiệm cho những khoản chi nào, chẳng hạn như đám cưới hoặc khoản thanh toán thuế, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi lựa chọn được kênh gửi tiền phù hợp.
Khi được hỏi về kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào các quỹ chủ động, thụ động và đầu tư quốc tế trong năm nay, các nhà đầu tư chuyên nghiệp hầu hết trả lời là quỹ đầu tư quốc tế (47%). 37% nói rằng họ sẽ rót nhiều tiền hơn vào các quỹ thụ động và 30% sẽ tăng đầu tư vào các quỹ chủ động.
Ngược lại, nhà đầu tư nhỏ lẻ có nhiều khả năng đổ tiền vào các quỹ thụ động hơn (46%), sau đó là quỹ đầu tư quốc tế (38%) và quỹ quản lý chủ động (22%).
Trong khi hầu hết những người được hỏi cho rằng các quỹ lựa chọn một số cổ phiếu (stock picking) sẽ mất thị phần vào “tay” các quỹ thụ động, thì họ lại không cho rằng các quỹ chủ động sẽ “biến mất” trong 10 năm nữa. Chỉ 25% cho biết các quỹ này sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ tới, còn 3/4 nói rằng quỹ chủ động vẫn hoạt động vì hiệu suất vượt trội và đã quá quen thuộc với thị trường.
Một số nhà đầu tư cho biết khả năng linh hoạt và nắm giữ tiền mặt của các quỹ chủ động sẽ khiến họ là lựa chọn hấp dẫn trong những thời điểm bất ổn. Một người tham gia khảo sát cho hay: “Khi lãi suất tăng cao hơn và điều kiện cho vay bị thắt chặt, các quỹ chủ động sẽ có cơ hội tuyệt vời vì không tập trung vào rổ chỉ số nhất định.”
Mới đây Thành viên điều hành Fed Christopher Waller cảnh báo Fed có thể phải nâng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến nếu các số liệu chưa thể hạ nhiệt.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một báo cáo công bố vào tháng 2 cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh, trong khi lạm phát giảm chậm hơn so với thông tin trước đó.
Theo ông Waller, dù lạm phát đã giảm xuống kể từ giữa năm 2022, song những số liệu gần đây cho thấy Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ như dự kiến. Các dữ liệu này cũng chỉ ra rằng nỗ lực đưa lạm phát xuống mức 2% như mục tiêu đề ra sẽ chậm hơn và mất nhiều thời gian hơn so với dự báo cách đây 1-2 tháng.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng quan ngại về tăng trưởng lương, góp phần làm tăng chi phí lao động và khiến lạm phát đi lên. Ông Waller cho rằng, nếu số việc làm có xu hướng đi xuống như cuối năm ngoái, lạm phát giảm mạnh, ông sẽ ủng hộ nâng lãi suất lên 5,1-5,4%.
Giavang.net