Tiền đồng đang mất giá ít hơn so với nhiều đồng tiền khác là một thành công trong điều hành chính sách tiền tệ nhưng mặt khác sẽ kích thích xu hướng nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước.
Sáng 3/1, Viện Tài chính – Kinh tế, Bộ Tài chính, tổ chức Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo năm 2019. Năm 2018 là năm thứ tư Việt Nam duy trì lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp các thách thức nhất là cú sốc lớn từ bên ngoài.
Chia sẻ tại tham luận Hội thảo, một trong 7 yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong năm tới theo quan điểm của Ts. Nguyễn Minh Châu và ThS Lê Thanh Nga là vấn đề tỷ giá. Đây lại cũng chính là một điểm thành công của chính sách tiền tệ năm 2018.
Đến 28/12, tỷ giá USD/VND tại BIDV ở mức 23.240 đồng chiều bán ra, tăng 2,22% so với cuối năm trước. Tiền đồng của Việt Nam đang mất giá ít hơn so với nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc (+5,68%), THB của Thái Lan, IDR của Indonesia (+7,36%)…
Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, kết quả này đồng nghĩa với việc VND đã gián tiếp lên giá so với đồng tiền đó. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Nhu cầu nhập khẩu tăng có thể đẩy tăng cầu ngoại tệ. Hậu quả của xu hướng này chính là nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nhận định.
Ngoài ra, các áp lực tăng lên lãi suất còn bao gồm khả năng điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục. Các yếu tố này chưa tác động nhiều trong năm 2018. Riêng giá điện đã không tăng lần nào khi Bộ Công Thương có mệnh lệnh hành chính, không cho phép tăng. Khả năng điều chỉnh tăng là hoàn toàn có thể trong năm tới. Chi phí quản lý trong dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ giáo dục cũng đều có văn bản nêu lộ trình từ trước.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã quyết định điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1/1 và lương cơ sở tăng 100.000 đồng từ 1/7. Thiên tai thời tiết bất lợi cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá lương thực, nhất là cục bộ tại các địa phương.
Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào căng thẳng chính trị các nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Giá xăng dầu thế giới là một yếu tố ngoại sinh khó dự báo và cũng phụ thuộc vào điều chỉnh tỷ giá.
Theo chuyên gia kinh tế, do xăng dầu là đầu vào của của nhiều ngành sản xuất nên sự tăng giá của mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng khác.
Tuy nhiên, năm 2019 cũng sẽ có các yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát. Giá thực phẩm, trong đó một mặt hàng quan trọng là lợn, có thể gặp bất lợi khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ lợn. Thương mại gạo được dự báo giảm có thể cũng làm giảm giá gạo năm tới.
Giá xăng năm 2019 có thể được ổn định nhờ nguồn lực nội địa
Yếu tố giá xăng dầu đã ảnh hưởng nhiều lên diễn biến lạm phát năm 2018. Nếu giá xăng thế giới không giảm trong tháng cuối năm, áp lực lên lạm phát sẽ rất lớn gây “đau đầu” cho cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đã hoàn thành, dự báo sẽ đảm nhận 40% nguồn cung xăng dầu. Trong khi Dung Quất đang đóng góp 30% nguồn cung. Thay đổi trên sẽ tạo điều kiện chủ động nguồn cung mặt hàng thiết yếu cho xã hội.
Theo NDH