21.4 C
Hanoi
18/01/2025
GiaVang.Net
Tin mới nhất Vàng

Quản lý và điều tiết thị trường vàng: Nhìn lại qua các giai đoạn

(GVNET) – Những vấn đề liên quan đến thị trường vàng luôn thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư và chính quyền. Từ những bước đầu tiên từ năm 1955, cho đến những điều chỉnh gần đây như Nghị định 24, chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy gian nan và thách thức.

Nội dung dưới đây sẽ toám tắt ngắn gọn chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng của nước ta qua các giai đoạn:

Giai đoạn 1955-1975: Miền Bắc và Miền Nam

Trong giai đoạn này, việc quản lý vàng ở miền Bắc và miền Nam diễn ra theo hướng khác biệt. Trong khi miền Bắc thực hiện chế độ quản lý chặt chẽ, miền Nam lại mở cửa cho giao dịch tự do hơn. Tuy nhiên, cả hai miền đều phải đối mặt với những thách thức từ tình hình chiến tranh và biến động kinh tế vĩ mô.

Vàng thường xuyên chiếm khoảng 10% tổng sở hữu vàng và ngoại tệ của quốc gia trong giai đoạn 1961-1975. Đến năm 1966, dự trữ vàng ở mức cao nhất là 26 triệu đô la Mỹ, tương đương 23 tấn vàng.

Giai đoạn 1975-1985: Cấm kinh doanh vàng

Trong giai đoạn này, chính sách vàng không có nhiều thay đổi so với trước đó. Nhà nước tập trung quản lý giao dịch vàng và coi giao dịch tự do là không hợp pháp. Mặc dù có những chỉ đạo về việc sửa đổi quy định quản lý ngoại hối, nhưng trên thực tế, chính sách về vàng, ngoại tệ vẫn được thực hiện theo chế độ quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Mặc dù bị cấm, hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ vẫn diễn ra sôi động trên thị trường phi chính thức. Sự sôi động của thị trường vàng và ngoại tệ có thể liên quan đến các vấn đề kinh tế – xã hội không ổn định trong thời kỳ này. Tuy nhiên, đây thường là kết quả của tình trạng kinh tế không ổn định và lạm phát cao, chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ.

Giai đoạn 1986-1996: Tự do hóa thị trường

Năm 1986, Ban Bí thư cho phép thành lập Công ty kinh doanh vàng bạc tại TPHCM dưới sự quản lý của UBND và NHNN, tôn trọng quyền sở hữu của người gửi vàng, bạc vào ngân hàng. Trong thực tế, giá vàng và ngoại tệ biến động do cung và cầu. Sự thiếu hụt hàng hóa và chênh lệch giá giữa nội địa và thế giới đã thúc đẩy hoạt động phi chính thức. Chính sách “nhập khẩu vàng chống lạm phát” vào cuối những năm 1980 đã giúp kiểm soát lạm phát và giảm giá vàng và đô la. Việc áp dụng cơ chế thị trường và tự do hóa kinh doanh đã mang lại kết quả tích cực, giảm lạm phát và giá vàng, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế phát triển.

Giai đoạn 1997-2007: Sự tham gia của tổ chức tài chính

Trong giai đoạn này, thị trường vàng trở nên ít sôi động hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự nổi lên của gian lận trong sản xuất vàng. Để kiểm soát tình trạng này, NHNN đã ban hành các chỉ thị và nghị định nhằm quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong thập kỷ 2000, các biện pháp như cho phép tổ chức tín dụng huy động vốn bằng vàng và phục hồi nhập khẩu vàng bình thường đã được áp dụng. Các biện pháp giảm thuế và mở cửa hoạt động kinh doanh vàng cũng được thực hiện, đạt đỉnh điểm vào năm 2006 khi NHNN cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Giai đoạn 2008-2012: Xử lý bất ổn kinh tế

Từ năm 2008, chính sách vàng của Việt Nam đã trở nên nghiêm ngặt hơn để đối phó với tình trạng mất cân đối kép trong và ngoài nước, biểu hiện qua thâm hụt thương mại và lạm phát cao. Các biện pháp thắt chặt hoạt động kinh doanh vàng đã được thực hiện như tạm dừng nhập khẩu vàng từ tháng 7-2008 và tăng thuế suất nhập khẩu vàng miếng. Các quy định mới yêu cầu các đại lý có chứng chỉ để hoạt động trong lĩnh vực vàng và cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh. Đến năm 2010 và 2011, các biện pháp tiếp tục được thực hiện như yêu cầu đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài và quản lý chặt chẽ thị trường vàng để kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế.

Giai đoạn 2012-2023: Nghị định 24

Năm 2012, NHNN thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ về điều hành thị trường vàng bằng việc ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP và các quy định hướng dẫn thi hành. NHNN chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng, áp dụng cơ chế độc quyền sản xuất vàng thông qua việc sử dụng thương hiệu vàng SJC. Thị trường vàng được điều tiết thông qua Nghị định 24 và Thông tư 16/2012/TT-NHNN, với sự điều chỉnh gần đây qua Thông tư 15/2021/TT-NHNN.

Thị trường vàng ở Việt Nam đã trải qua nhiều biến động và sự điều chỉnh trong chính sách quản lý. Tuy nhiên, việc kiểm soát và điều tiết vẫn còn những thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng biến động và phức tạp.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....