30 C
Hanoi
25/04/2024
Image default
Chứng khoán Kinh tế Tin mới nhất

Phiên 26/11: NĐT sợ hãi cực độ, Phố Wall giảm mạnh nhất trong năm 2021, giá dầu bốc hơi 10USD

Thị trường lao dốc trong bối cảnh các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/11 cảnh báo về biến chủng virus corona mới được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này có nhiều đột biến ở gai protein hơn biến chủng Delta hiện tại. Do những đột biến này, giới khoa học lo ngại biến chủng mới có thể kháng vaccine dù WHO cho rằng cần nghiên cứu thêm.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng lên 28, mức cao nhất trong 2 tháng. Giá dầu cũng sụt giảm, với hợp đồng dầu WTI lao dốc 12% và rớt mốc 70 USD/thùng.

Phố Wall chìm trong biển lửa, áp lực bán xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 905,04 điểm, tương đương 2,53%, xuống 34.899,34 điểm, trong phiên có lúc mất hơn 1.000 điểm. Đây là ngày tệ nhất của Dow Jones kể từ đầu năm.

Chỉ số S&P 500 giảm 106,84 điểm, tương đương 2,27%, xuống 4.594,62 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm 353,57 điểm, tương đương 2,23%, xuống 15.491,66 điểm.

Cả ba chỉ số vừa có phiên Black Friday tệ nhất kể từ năm 1950. Xu hướng bán tháo lan rộng với 10 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều giảm hơn 1%, chăm sóc sức khỏe chỉ giảm 0,45% nhờ cổ phiếu Pfizer tăng 6,11% và Moderna tăng 20,57%.

Các cổ phiếu liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với cổ phiếu Carnival Corp. và Royal Caribbean lần lượt sụt 11% và 13,2%. Cổ phiếu United Airlines lao dốc hơn 9%, còn cổ phiếu American Airlines rớt 8,8%. Cổ phiếu Boeing mất hơn 5%, và cổ phiếu Marriott International giảm gần 6,5%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chung kịch bản với Bank of America rớt 3,9% và cổ phiếu Citigroup lùi 2,7%.

Các cổ phiếu công nghiệp liên quan đến kinh tế toàn cầu chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là đà giảm 4% của cổ phiếu Caterpillar. Cổ phiếu Chevron mất 2,3% khi nhóm cổ phiếu năng lượng phản ứng với đà sụt giá dầu thô.

Dầu thô lao dốc thảm hại do lo ngại cầu yếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu WTI sụt 10,24 USD (tương đương 13,06%) xuống 68,15 USD/thùng, rớt mốc quan trọng 70 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của hợp đồng này kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng dầu WTI khép phiên dưới mức trung bình động 200 phiên – một chỉ báo kỹ thuật quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020.

Hợp đồng dầu Brent mất 11,55% còn 72,72 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 3/2020.

Giavang.net tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....