Theo thống kê của FactSet tính đến ngày 2/11, trong số các doanh nghiệp S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, khoảng 83% có lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Phố Wall rực sắc xanh, thị trường tạo đỉnh với khối lượng lớn
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 138,79 điểm, tương đương 0,39%, lên 36.052,63 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.913,84 điểm thiết lập ngày 1/11. Đây là phiên lập đỉnh thứ ba liên tiếp của Dow Jones và lần đầu tiên đóng cửa trên 36.000 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 16,98 điểm, tương đương 0,37%, lên 4.630,65 điểm, vượt đỉnh 4.613,67 điểm thiết lập ngày 1/11.
Chỉ số Nasdaq tăng 53,69 điểm, tương đương 0,34%, lên 15.649,6 điểm, vượt đỉnh 15.595,92 điểm thiết lập ngày 1/11.
Đây là phiên lập đỉnh thứ tư liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq.
9 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh với nguyên vật liệu dẫn đầu, tăng 1,1%. Trong khi đó, năng lượng giảm 1%.
Cổ phiếu Pfizer tăng 4,1% sau khi đại gia dược phẩm này công bố lợi nhuận quý III vượt kỳ vọng, đồng thời nâng dự báo doanh thu và EPS cả năm 2021.
Under Armour vọt lên 16,4% sau khi hãng bán lẻ đồ thể thao này tăng ước tính kết quả kinh doanh cả năm và cho biết thương hiệu của công ty đang được cải thiện dưới thời CEO Patrik Frisk.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 2/11 là 10,2 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,3 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô rung lắc mạnh, kết phiên giảm nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 21 xu (tương đương 0.,3%) xuống 84,50 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI mất 48 xu (tương đương 0,6%) còn 83.57 USD/thùng. Trước đó, hợp đồng này đã giảm hơn 1 USD/thùng.
“Có một chút không chắc chắn về Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và điều đó đang kìm hãm thị trường”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong một xu hướng mạnh mẽ”.
Giá dầu Brent đã leo dốc hơn 60% từ đầu năm 2021 đến nay, chạm mức đỉnh 3 năm là 86.70 USD/thùng vào tuần trước khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và OPEC cùng với các đồng minh do Nga dẫn đầu, gọi chung là nhóm OPEC+, đã chậm chạp trong việc nới lỏng cắt giảm sản lượng kỷ lục.
Các quốc gia tiêu thụ dầu đang gây áp lực để OPEC+ hành động nhiều hơn nữa để hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào ngày 04/11, liên minh này được dự báo sẽ bám sát kế hoạch nâng sản lượng hàng tháng một cách từ từ 400.000 thùng/ngày.
Giavang.net tổng hợp