Đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ “thứ Hai đen” hồi tháng 10/1987, bất chấp việc Fed ngày 15/3 hạ lãi suất về cận 0, lần hạ lãi suất khẩn cấp thứ hai trong chưa đầy hai tuần và ngay trước cuộc họp chính sách định kỳ ngày 17 – 18/3.
Phố Wall giảm kỉ lục, cổ phiếu tên tuổi dẫn đầu đà lao dốc
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2.997,1 điểm, tương đương 12,93%, xuống 20.188,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 324,89 điểm, tương đương 11,98%, xuống 2.386,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 970,28 điểm, tương đương 12,32%, xuống 6.904,59 điểm.
Đà giảm điểm của Dow Jones là đà giảm mạnh nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường “Ngày thứ Hai đen tối” cách đây 3 thập kỷ, khi chỉ số này lao dốc hơn 22%. Đà sụt giảm này cũng đã vượt qua mức giảm 9,99% hồi thứ Ba tuần trước (10/03). Đây cũng là phiên tồi tệ thứ 3 của Dow Jones từ trước đến nay, chỉ số này đã rớt hơn 13% vào cuối năm 1929.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, bất động sản diễn biến kém nhất, giảm 16,5%, phiên giảm nhiều nhất kể từ năm 2009. Lĩnh vực công nghệ thông tin, lực kéo chính của S&P 500 mất 13,9%, phiên giảm nhiều nhất lịch sử. Lĩnh vực tiêu dùng giảm nhẹ nhất, mất 7%.
Giao dịch đã bị tạm dừng trong 15 phút ngay sau khi mở cửa khi đà giảm 8% của S&P 500 đã kích hoạt bộ “ngắt mạch”. Đó là lần thứ 3 trong tuần trước mà bộ ngắt mạch bị kích hoạt. Những bộ ngắt mạch này được đưa ra bởi các sàn giao dịch để duy trì hành vi thị trường một cách có trật tự.
Cổ phiếu Apple sụt 12,9%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, với cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 14%. Cổ phiếu Morgan Stanley rớt 15,6%, còn cổ phiếu Citigroup lao dốc 19,3%. Các ngân hàng lớn thông báo hôm Chủ nhật (15/03) rằng sẽ tạm ngừng chương trình mua lại trong một nỗ lực cung cấp vốn khi cần thiết.
Nhóm cổ phiếu hàng không đã rút khỏi đáy trong phiên sau khi ông Trump tuyên bố Chính quyền sẽ “giải cứu ngành hàng không”. Cổ phiếu Delta chỉ giảm 6,7% sau khi rớt hơn 10%. Cổ phiếu American Airlines vọt hơn 10% sau khi lao dốc hồi đầu phiên.
Giá dầu sụt đáy 4 năm, rớt mốc 30USD
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex mất 3.30 USD (tương đương 9.,6%) còn 28,70 USD/thùng, sau khi dao động tại mức thấp trong phiên là 28,03 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 02/2016, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn sụt 3,80 USD (tương đương hơn 11%) xuống 30,05 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 01/2016.
Giá dầu đã lao dốc hồi tuần trước sau khi Nga và Ả-rập Xê-út khởi động một cuộc chiến giá dầu toàn cầu sau sự đỗ vỡ của các cuộc thảo luận về việc cắt giảm sản lượng hồi đầu tháng này.
“Rõ ràng thị trường dầu mỏ không quan tâm đến động thái hạ lãi suất khẩn cấp từ Fed vào cuối tuần qua. Sự thất bại trong thỏa thuận của OPEC+ không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn, với việc thị trường vốn đang phải đối phó với cú sốc về nhu cầu”, Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING, nhận định.
Giavang.net tổng hợp