22 C
Hanoi
20/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Những lo ngại xung quanh chính sách lạm phát của Fed

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ đang đạt mức cao nhất trong thập niên qua. Diễn biến này khiến các nhà đầu tư, giới chuyên gia cũng như người tiêu dùng thông thường lo ngại, khi họ tin rằng áp lực lạm phát của nền kinh tế đang bị đánh giá thấp hơn thực tế.

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington DC

Trong bối cảnh đó, không khó hiểu tại sao chính sách quản lý lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị giới chuyên gia và đầu tư đặc biệt chú ý.

Tác động đến quyết định đầu tư

Theo giới phân tích, việc lạm phát của kinh tế Mỹ tăng cao trong vài quý vừa qua không chỉ khiến nhiều người trì hoãn việc mua các sản phẩm đắt tiền, mà còn đẩy các nhà đầu tư chuyển vốn vào các loại tài sản “trú ẩn an toàn” để phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Ông Mickey D. Levy, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Mỹ và châu Á của công ty quản lý đầu tư Berenberg Capital Markets LLC (Mỹ) cho hay Fed chưa nhìn ra trọng điểm về tác động của lạm phát.

Lạm phát cao hơn sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới khoản thu nhập khả dụng của người tiêu dùng. Một khảo sát gần đây về người tiêu dùng của Đại học Michigan cho biết số lượng người tiêu dùng phàn nàn về giá nhà, xe và hàng điện tử tăng cao đã đạt mức kỷ lục.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của cuộc khảo sát trên cũng đã giảm từ 85,5 trong tháng Sáu xuống 80,8 vào tháng Bảy.

Trong khi đó, khảo sát hàng quý mới nhất với sự tham gia của 900 nhà đầu tư Mỹ sở hữu tối thiểu 1 triệu USD tài sản đầu tư do “đại gia” ngân hàng UBS tiến hành cho thấy 57% số người được hỏi tin rằng lạm phát tại Mỹ sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới. 35% khác nhận định lạm phát sẽ không biến động nhiều trong cùng giai đoạn.

Với 88% tin rằng tăng lạm phát có thể ảnh hưởng đến danh mục đầu tư của họ, các nhà đầu tư Mỹ đang có xu hướng chuyển sang mua cổ phiếu hoặc điều chỉnh danh mục đầu tư của họ theo những cách khác nhau để chống lại những biến động vì lạm phát “phi mã”.

Triển vọng lạm phát dài hạn

Chuyên gia Levy của Berenberg Capital Markets nhận định đà tăng giá vừa qua một phần do nguồn cung bị thắt chặt. Tình trạng này sẽ chỉ mang tính tạm thời dù chúng có thể kéo dài lâu hơn so với kỳ vọng. Nhưng đồng thời, nhu cầu mạnh mẽ và các biện pháp kích thích tiền tệ cùng chính sách tài khóa cho thấy áp lực lạm phát tiềm ẩn ngày càng lớn và có thể dai dẳng.

Công ty nghiên cứu đầu tư MRB Partners (Mỹ) nhận định trong một báo cáo gần đây rằng lạm phát giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi của Mỹ trong quý II/2021 đã vượt mọi dự báo. Dựa trên tình hình đó, khả năng lạm phát tiếp tục tăng trong vòng 12-18 tháng tới sẽ ngày càng khả thi hơn.

Theo MRB Partners, lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà tương đương hoặc trên 3% vào cuối năm tới, so với kỳ vọng của Fed là khoảng 2%.

Tuy nhiên, MRB Partners cho rằng lạm phát giá tiêu dùng không đủ để xác định áp lực làm phát của cả nền kinh tế. Công ty nghiên cứu này ước tính rằng lạm phát tổng thể trong nền kinh tế Mỹ hiện đang ở mức 9% hàng năm, gấp đôi CPI cốt lõi và là mức cao nhất kể từ năm 1980 tới nay.

Những câu hỏi về mục tiêu lạm phát của Fed

Giới chuyên gia đang lo ngại rằng chính sách quản lý lạm phát hiện thời của Fed không thể kiểm soát được lạm phát một cách hợp lý, thậm chí lặp lại các sai lầm trước đây.

Theo ông Mervyn King, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Mỹ có nguy cơ lạm phát cao hơn trong trung hạn so với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Giáo sư King cho biết ông quan tâm đến chính sách nhắm mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt do Fed công bố vào năm 2020, vì nó ngụ ý rằng ngân hàng trung ương này có thể kiểm soát được lạm phát một cách chính xác. Nhưng như thị trường đã chứng kiến, thực tế không phải vậy.

Ông King nói rằng các công thức tính toán cho chính sách trên có thể khả thi trong mô hình giả lập, nhưng chúng không khả thi trong thế giới thực. Cựu Thống đốc BoE cũng bày tỏ quan ngại về khả năng dự báo lãi suất cho 2, 3 năm tới của Fed.

Giới chuyên gia nhấn mạnh Fed có thể quản lý kỳ vọng của thị trường tài chính, nhưng họ không thể ảnh hưởng đến hành vi thiết lập giá trong lĩnh vực phi tài chính. Chuyên gia Levy cho hay một trong những mối quan tâm thực sự của ông là Fed đang nhìn nhận lạm phát thông qua lăng kính rằng mức lạm phát nào phù hợp với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn của họ.

MRB Partners cho hay đã xuất hiện những áp lực lạm phát trong hầu khắp các lĩnh vực kinh tế của Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản và tín dụng.

Trong khi đó, việc Fed chỉ tập trung vào lạm phát giá tiêu dùng để thiết lập hướng dẫn chính sách trong những thập niên gần đây đã tạo ra những “bong bóng tài sản” dai dẳng. Sau đó, chúng có thể biến thành các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc nợ khi “bong bóng” vỡ.

MRB Partners cảnh báo chính sách nhắm mục tiêu lạm phát của Fed đã thường xuyên bỏ qua sự mất cân bằng đang gia tăng và dẫn đến những sai lầm chính sách “đau đớn” trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu đã trích dẫn sai lầm lớn nhất trong vấn đề này đã xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1980.

Theo Vietnambiz

Tin liên quan

Đang tải....