20 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Mỹ: Nguy cơ lạm phát nghiêm trọng, đến lúc cần phải bắt đầu thắt chặt chính sách?

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers (dưới thời Tổng thống Bill Clinton) vừa thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden cần giảm bớt các biện pháp kích thích, nếu không có nguy cơ làm bùng phát lạm phát nghiêm trọng.

Rủi ro lạm phát rất lớn

“Tôi nghĩ rằng chính sách đang bị lạm dụng một cách thái quá”, ông Summers nói trong các bình luận được ghi hình tại hội nghị CoinDesk được công bố hôm thứ Tư. Trước đó vào ngày 18/5, ông cũng từng nhận định: “Chúng ta đang đối mặt với rủi ro rất lớn về lạm phát”. Thực tế trong những tuần gần đây, vị cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Chủ tịch Đại học Harvard này đã liên tục đưa ra các cảnh báo như vậy. Ông cho rằng, cách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phía chính sách tài khóa liên tục “tăng áp” để thúc đẩy nền kinh tế khi rủi ro rơi vào vòng xoáy giảm phát đã biến mất và rủi ro lạm phát đã cao lên đang kể là “có vấn đề”.

Thực tế, giá cả đã tăng mạnh đối với mọi loại hàng hóa, từ ô tô, thép, gỗ đến và nhà ở hay thực phẩm. Lạm phát tăng trở lại đặc biệt gây khó khăn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid. Larry Summers cũng chỉ ra các tín hiệu cho thấy Fed đang cho rằng, lãi suất sẽ vẫn ở mức rất thấp trong tương lai và tiếp tục chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng lạm phát đang trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn tại Mỹ

Về phía tài khóa, lập trường chính sách của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay đang tạo ra rắc rối. Theo đó, ông Summers trong khi vẫn ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Biden trong các vấn đề như tăng lương tối thiểu, tăng cường quy định và thúc đẩy các công đoàn, nhưng cũng cảnh báo rằng, các chính sách tài khóa thiên về kích thích hiện nay có thể gây lạm phát lớn.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Summers cũng lập luận rằng, tầm quan trọng của các quan điểm chính sách liên bang hiện nay thậm chí còn lớn hơn so với các quan điểm đã từng gây ra lạm phát lớn vào cuối những năm 1960. “Chúng ta (Mỹ) đang in tiền, chúng ta đang tạo ra trái phiếu Chính phủ và đang đi vay với quy mô chưa từng có”, Summers chỉ ra và cho rằng: “Đó là những điều chắc chắn sẽ tạo ra nhiều rủi ro khiến đồng USD sụt giảm mạnh hơn so với trước đây. Và sự sụt giảm mạnh của đồng USD nhiều khả năng tự nó sẽ chuyển thành lạm phát hơn so với trước đây”.

Cố gắng đẩy lùi quan ngại

Ngay cả khi giá tiêu dùng trong tháng 4 đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, các quan chức Fed vẫn nhiều lần khẳng định lạm phát tăng chỉ là tạm thời và đà tăng sẽ giảm dần khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn. Không ít nhà kinh tế cũng đồng tình với quan điểm đó.

Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng cũng nỗ lực đẩy lùi mối quan ngại lạm phát tăng, cho rằng sự mất cân bằng tạm thời giữa cung và cầu đã nằm trong dự tính sẽ xảy ra khi xét tới bản chất của cuộc khủng hoảng sức khỏe và sự phục hồi diễn ra. Một quan chức của chính quyền Biden đã nói với CNN Business hôm thứ Ba rằng, các quan chức “không nhận thấy dấu hiệu của sự “trật khớp dai dẳng” hoặc nguy cơ lạm phát kéo dài”. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ áp lực lạm phát nhưng lạm phát trước hết và quan trọng nhất nằm trong tầm ngắm của Fed”, quan chức Nhà Trắng trên cho biết.

Nhưng ngoài kia, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thì khác, và nó đang cho thấy sự tăng lên nhanh chóng. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng kỳ vọng đó rất có thể trở thành một “lời tiên tri tự ứng nghiệm”: niềm tin lạm phát sẽ tăng và các diễn biến thực tế cuối cùng sẽ biến kỳ vọng lạm phát cao diễn ra trong dài hạn chứ không chỉ là mang tính tạm thời.

Và theo Summers: “Trong một môi trường tài khóa siêu tạo điều kiện hiện nay, nếu kỳ vọng lạm phát tăng trở thành hiện thực thì quá trình đưa lạm phát trở lại mức bình thường sẽ khó kiểm soát, tốn kém và phải trả giá nhiều hơn”.

Summers thừa nhận hiện có “sự không chắc chắn rất lớn” về triển vọng lạm phát sẽ đi về đâu nhưng tình trạng thiếu lao động, tăng lương trong khi giá hàng hóa sản xuất và tiêu dùng đều tăng mạnh hơn nhiều so với dự đoán là những dấu hiệu cho thấy những quan ngại là có cơ sở. Cũng theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, chính vì sự không chắc chắn về triển vọng lạm phát như vậy cho thấy, việc hầu hết các quan chức Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0% trong ba năm nữa là “ranh giới của sự vô lý”. Ông cũng lưu lý, “khi các diễn biến (giá tăng) khiến bạn ngạc nhiên, bạn có thể phải cân nhắc thay đổi quan điểm của mình”.

Trong một động thái khác, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đã đề cập tới tác động của chính sách tài khóa tại phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Tư. “Chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục ở mức chưa từng có… Tin tốt là chúng ta sẽ có một nền kinh tế phục hồi rất mạnh, không chỉ trong năm nay mà có thể kéo dài sang năm 2023. Nhưng các chính sách cũng sẽ làm tăng lạm phát”, Dimon cảnh báo.

Theo Thoibaonganhang

Tin liên quan

Đang tải....