Tại sao những người thành công không bao giờ bận rộn? Hay nói cách khác, họ không bao giờ tỏ ra quá gấp gáp hay vội vã trước những tình huống trong cuộc sống.
Để đạt được mức độ thành công nhất định, bạn phải học được cách làm chủ cảm xúc, suy nghĩ và cách nhìn của mình về cuộc sống. Với niềm tin rằng bận rộn là một dấu hiệu của sự thành công đang tới, chúng ta thường có những câu than thở như “Tôi bận lắm, đến nỗi chẳng còn đầu óc đâu mà nghĩ ngợi”. Nhưng đó chỉ là một câu nói dối, một niềm tin giả tạo mà chúng ta tự dạy cho mình chứ hoàn toàn không phải thực tế về thành công.
Thứ nhất, để biến cuộc sống bận rộn trở thành thực sự có lợi cho mình, bạn phải nghiêm khắc và trung thực nhìn nhận lại những việc mình làm trong một ngày. Bắt đầu bằng một thái độ lạc quan và những suy nghĩ tích cực là điều cần thiết để có thể kiên trì vượt qua những khó khăn. Hãy dậy sớm hơn một chút, tập thể dục hoặc ngồi thiền và một bữa ăn sáng lành mạnh là những gợi ý không hề tồi. Đó là những việc làm nhỏ nhưng tích hợp trở thành thói quen vô cùng tốt cho tương lai lâu dài của bạn.
Đừng trì hoãn là lời khuyên thứ hai. Mọi thứ sẽ thong thả hơn nếu bạn dậy giờ chuông báo thức thay vì hoãn thêm 5-10 phút. Bạn sẽ không phải vội vã ăn sáng và càu nhàu với vợ con vì đồ ăn không hợp khẩu vị. Không phải cáu bẳn vì tắc đường rồi lại tranh cãi với đồng nghiệp vì những vấn đề tưởng chừng rất đơn giản.
Khi bạn nghĩ rằng mình quá bận rộn để có thể làm thêm việc gì đó hay chấp nhận một lời đề nghị nào đó, bạn có thể đúng. Nhưng câu hỏi là: Bạn bận rộn về cái gì?
Điều thứ 3 là những người thành công là những người biết loại bỏ những điều không cần thiết để tập trung vào mục tiêu tối thượng. Thật sự rất sai lầm và tự cao khi cho rằng mình có thể giải quyết được tất cả mọi việc, theo đúng ý mình và yêu cầu của mình. Tại sao bạn không sẵn sàng để người khác giúp đỡ chỉ vì cho rằng họ sẽ không làm được như mình mong muốn? Rõ ràng, bạn có cơ hội để khiến cuộc sống của mình dễ dàng hơn, nhưng tất cả những gì bạn làm là từ chối và ôm tất cả đống hỗn độn ấy để tự bản thân ngụp lặn. Bạn từ chối cơ hội cho chính bản thân mình thảnh thơi.
Người thành công là những người rất giỏi trong việc yêu cầu sự giúp đỡ, giao phó trách nhiệm và hiểu họ cần trực tiếp làm gì, không cần làm gì.
Tìm đến sự giúp đỡ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà nó chính xác là một sức mạnh tuyệt vời. Cũng bằng việc chia sẻ trách nhiệm công việc đó, bạn có thể giúp nhiều người thể hiện được năng lực của mình hơn, cảm thấy có giá trị hơn, đồng thời tạo cho người khác cơ hội để phát triển toàn diện hơn. Ngay cả với những người trong gia đình, đừng ngần ngại nếu bạn cảm thấy mình đang quá tải và cần vợ/chồng hoặc con cái chia sẻ công việc nhà.
Điều thứ tư bạn cần học, đó là học cách từ chối. Cũng gần giống như học cách chia sẻ trách nhiệm, từ chối những điều mà bạn cho là không cần thiết hoặc không mang lại niềm vui cũng cần có những “kỹ năng” đặc biệt. Bạn không cần phải tham dự những cuộc họp dài lê thê nếu nó không ảnh hưởng đến bộ phận của bạn. Không phải tiếp chuyện người đồng nghiệp bi quan 15 phút đầu ngày nếu nó khiến cảm xúc của bạn tụt xuống. Không phải đi ăn nếu không cảm thấy ngon miệng… Khi bạn không phải dành thời gian cho những điều tiêu cực thì tự khắc sẽ cảm thấy niềm vui ngập tràn cuộc sống và những điều tốt đẹp luôn ở xung quanh.
Bận rộn đôi khi còn có nghĩa là bạn đang không sắp xếp được thời gian để làm việc năng suất hơn. Có rất nhiều thứ xen vào cuộc sống của chúng ta trong một ngày và nó làm ngắt mạch tập trung khi đang giải quyết một vấn đề nào đó. Nhiệm vụ của bạn là phải học cách tổ chức lại thời gian, tâm trí và công việc để chỉ tập trung vào những điều giá trị cho cuộc sống mà thôi. Đừng để sự bận rộn kéo bạn theo và từ đó dẫn đến vô tổ chức. Bạn bận rộn nhưng nó cần nằm trong kế hoạch đã định sẵn, với các sự kiện, nhiệm vụ biết trước.
Khi bạn loại bỏ được những thói quen xấu, sự vô tổ chức hay lập kế hoạch kém, bạn sẽ thấy thời gian của mình còn rất nhiều và bạn thậm chí còn có thời gian để thong thả thưởng thức một ly cà phê mỗi sáng.
Chăm lo cho sức khỏe tinh thần là điều cuối cùng bạn cần thực hiện. Để đạt được thành công, bạn phải đi qua nhiều thử thách. Để đi qua được những thử thách, bạn phải có sức khỏe và sự kiên trì. Để có được sức khỏe, bạn cần chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn phớt lờ những dấu hiệu về sức khỏe mà cơ thể đang ra sức cảnh báo, đến một ngày nào đó khi sự căng thẳng vượt quá ngưỡng chịu đựng, bạn sẽ là người chịu nguy hiểm.
Tự chăm sóc cho đời sống tinh thần thực ra vô cùng đơn giản. Đó có thể chỉ là nửa giờ đi bộ sau bữa ăn cùng chú chó cưng thay vì lại ngồi vào bàn làm việc. Đó cũng là 15 phút chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa thay vì đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe mà bạn vẫn thường đặt qua mạng.
Một khi bạn bắt đầu tích hợp thời gian làm việc của mình vào một lối sống cân bằng, lành mạnh, đó là khi bạn sẽ bắt đầu làm việc thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn. Bạn không cần phải chăm chăm theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp mỗi giờ mỗi phút, thay vào đó là tận dụng từng phút làm việc một cách nghiêm túc hơn. Bạn sẽ vẫn chăm chỉ, nhưng không nhất thiết phải “bán mạng” cho công việc.
Tận dụng từng giờ phút một cách có ý nghĩa là cách những người thành công vẫn sử dụng để đạt được đỉnh cao của mình. Thành công không phải điểm cuối mà đó là hành trình cả đời, vì thế đừng lấy vài việc bận rộn của ngày hôm nay ra để làm thước đo cho sự thành công của một người. Quan trọng là bạn thức dậy mỗi ngày với suy nghĩ tích cực, với những công việc được gạch sẵn mục tiêu sự quyết tâm cao độ.
Theo Nhịp sống kinh tế