33 C
Hanoi
25/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Mỹ: TT Biden đề xuất ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế Mỹ. Đây là dự thảo ngân sách lớn nhất của chính phủ Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế Mỹ. Mục tiêu tổng thể của ngân sách mới là phát triển tầng lớp trung lưu Mỹ, đồng thời đưa nước Mỹ có thêm nhiều ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.

Theo kế hoạch chi tiết, quỹ liên bang sẽ chi 6.000 tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8.200 tỷ USD vào năm 2031. Trong đó bao gồm việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là 1.700 tỷ USD và 1.800 tỷ USD dành cho chương trình tăng cường giáo dục do nhà nước tài trợ và các dịch vụ xã hội.

Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Biden, nói rằng kế hoạch của ông Biden là “đi trước một bước”, rằng chính quyền Biden sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách trong môi trường lãi suất thấp hiện nay để có những khoản đầu tư quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Bà Rouse dự báo thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ sẽ sụt trên 2.000 tỷ USD trong những năm sau đó.

Trong một thông báo về đề xuất trên, Tổng thống Biden cho biết một nước Mỹ sau đại dịch “không thể đủ khả năng để đơn giản trở lại như trước đây”, đồng thời cho rằng đây là thời điểm cần nắm bắt để tái tạo và “định hình lại” một nền kinh tế mới của Mỹ.

Ngân sách toàn diện đầu tiên do Tổng thống Joe Biden đưa ra này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người muốn kìm hãm chi tiêu của chính phủ và bác đề xuất tăng thuế của ông chủ Nhà Trắng với nhà giàu, các doanh nghiệp lớn.

Trái lại, Các nghị sỹ Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, dành cho kế hoạch ngân sách của ông Biden sự khen ngợi.

Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách thuộc Thượng viện Mỹ, ông Bernie Sanders, một nghị sỹ Dân chủ cốt cán gọi kế hoạch ngân sách của ông Biden là “chương trình nghị sự quan trọng nhất dành cho các gia đình lao động trong thời kỳ hiện đại của đất nước chúng ta”. Ông Sanders cũng cho rằng kế hoạch sẽ tạo ra hàng triệu công việc với mức thu nhập tốt và giảm tỷ lệ đói nghèo ở Mỹ.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell coi thường kế hoạch. “Đề xuất của Biden sẽ nhấn chìm các gia đình Mỹ trong nợ nần, thâm hụt và lạm phát”, ông viết trên Twitter.

Ông Biden lại đưa ra những dự báo rất thận trọng về tăng trưởng. Với gói 1.900 tỷ chi tiêu kích thích bổ sung đã được duyệt vào đầu năm, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% trong quý I (đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm). Theo Fed và các chuyên gia kinh tế, tốc độ này vẫn có thể duy trì trong cả năm.

Tuy nhiên, trong bảng đề xuất ngân sách, chính quyền Biden chỉ dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 5,2%. Đáng chú ý hơn, dự báo còn giảm nhanh sau năm tới, chỉ từ 1,8% đến 2% mỗi năm trong giai đoạn 2024 – 2031. Dự báo này là phù hợp với ước tính dài hạn của Fed nhưng nó thấp hơn khoảng 0,25 điểm phần trăm so với dự báo của các tổ chức tư nhân, và thấp hơn một điểm phần trăm so với lần đề xuất ngân sách cuối cùng của chính quyền Trump cách đây 2 năm.

Các nhà kinh tế cho biết, dự báo thận trọng của chính quyền Biden xuất phát từ 2 lực cản mang tính hệ thống đang ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế Mỹ. Đó là dân số đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động không tăng.

Giới phân tích cho rằng, khoản đề xuất ngân sách mới sẽ khiến nợ công Mỹ lên mức cao kỷ lục. Đề xuất đầy tham vọng này của Tổng thống Biden sẽ phải vượt qua kỳ bỏ phiếu ở quốc hội.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....