Trong tuần này, Jamie Dimon, David Solomon và Ray Dalio đã cảnh báo về tình trạng khủng hoảng tiền mặt, đồng thời lưu ý về nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái.
Ba huyền thoại Phố Wall là CEO Jamie Dimon của ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, CEO David Solomon của Goldman Sachs và tỷ phú Ray Dalio của quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, đã đồng loạt gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khan hiếm tiền mặt và suy thoái kinh tế Mỹ rình rập.
Ba tỷ phú đã phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Saudi Arabia hồi đầu tuần. Và dưới đây là những gì mà các chuyên gia nhận định.
CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase
Ông Dimon cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh, nhưng phải đối mặt với một số khó khăn ngắn hạn có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái.
Người đứng đầu JPMorgan cảnh báo rằng các hộ gia đình vốn đã phải siết túi tiền bởi giá cả tăng cao, chi phí thế chấp và các khoản thanh toán thẻ tín dụng tăng. Điều này có thể ăn mòn khoản tiền tiết kiệm của họ vào mùa hè tới.
Ông nói: “Cuối cùng, khoản tiền dành dụm của người tiêu dùng Mỹ đang cạn kiệt dần. Điều đó có thể xảy ra vào khoảng giữa năm tới”.
Tuy nhiên, ông Dimon nhấn mạnh cuộc xung đột Nga và Ukraine còn đáng lo ngại hơn. Ông nói cuộc xung đột đã làm gia tăng căng thẳng trong các mối quan hệ địa chính trị khác.
Dimon nói rằng ông quan tâm đến mối quan hệ của phương Tây nhiều hơn là nguy cơ về một cuộc suy thoái.
CEO David Solomon của Goldman Sachs
Ông Solomon nhấn mạnh rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gặp khó khăn khi vừa kiềm chế giá cả leo thang mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Ông nói: “Nói chung, khi thấy bản thân đang trong một tình huống kinh tế mà lạm phát bao trùm, rất khó để thoát ra mà kinh tế không suy giảm. Mỹ có nguy cơ cao đối mặt với một cuộc suy thoái”.
CEO của Goldman cho biết ông dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ khoảng 3%-3,25% lên 4,5%, sau đó tạm dừng để xem liệu lạm phát có hạ nhiệt hay không. Nếu nhu cầu vẫn mạnh và thị trường lao động không chuyển biến, các quan chức tại ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất cao hơn nữa.
Ông nói: “Nếu Fed không thấy những thay đổi thực sự, tôi đoán là họ sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa”.
Solomon chỉ ra rằng từ thập niên 1980 đến nay, Fed đã giữ lãi suất ở mức thấp. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates
Tỷ phú Dalio đã chỉ ra cách các chính phủ thiếu tiền gánh nợ trong khi tiền tiền rẻ và dồi dào. Nhưng hiện lãi suất tăng kéo theo chi phí đi vay tăng và đe dọa đẩy họ vào các cuộc khủng hoảng tài khóa.
Ông nói: “Bây giờ, lãi suất đủ cao để đối phó với lạm phát và mang lại lợi nhuận tương xứng cho các nhà đầu tư trái phiếu. Nhưng mức lãi suất này là quá cao đối với các con nợ”.
Người sáng lập Bridgewater mô tả cuộc khủng hoảng thị trường mới đây của Vương quốc Anh là “nguy hiểm đang cận kề”. Ông dự đoán các quốc gia khác sẽ cố gắng chống lạm phát với lãi suất cao hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua chi tiêu bằng tiền vay nợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Vương quốc Anh cho thấy cách tiếp cận đó có thể khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gây ra các vấn đề về thanh khoản và đòn bẩy, đồng thời thúc đẩy các biện pháp can thiệp từ ngân hàng trung ương.
Ông Dalio cũng đề cập đến vấn đề suy thoái kinh tế Mỹ. Ông dự đoán lợi suất trái phiếu chính phủ siêu an toàn cao sẽ làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro hơn như trái phiếu rác. Hơn nữa, các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ khiến người tiêu dùng, công ty và các tổ chức thiếu tiền mặt trong vòng vài năm tới.
Khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn, cùng với sự suy giảm thanh khoản, thị trường có thể lao dốc và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Theo Market Insider
Theo Cafef