Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào thứ Tư, với đồng đô la Mỹ tăng hơn 1,5% so với lira, mức chưa từng thấy trong gần hai năm, sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nước này chuyển sang hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các giao dịch bằng tiền lira.
Lira đã chịu áp lực mất giá trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều người mất việc làm, tăng trưởng chậm lại, và hiện Thổ Nhĩ Kỳ có số ca mắc virus corona cao nhất ở khu vực Trung Đông.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã rút hàng triệu đô la từ dự trữ ngoại tệ của mình để mua vào lira nhằm duy trì tỷ giá với đồng đô la, và vào cuối ngày thứ Ba, cơ quan quản lý ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những hạn chế mới đối với người nước ngoài thực hiện các giao dịch bằng tiền lira, trong một nỗ lực ngăn chặn đầu cơ và bán khống.
Động thái nói trên đã phản tác dụng. Đồng đô la vào thứ Tư đã tăng giá mạnh, mua vào ở mức 7,1804 lira cho mỗi đô la tại thời điểm 4:45 chiều theo giờ GMT (đêm qua theo giờ Việt Nam), ghi nhận mức giá thấp gần như nhất từ trước đến nay của lira. Trước đó, tỷ giá chạm đáy 7,236 lira quy đổi một đô la tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tiền tệ tháng 8/2018.
“Có vẻ như chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta vượt qua ngưỡng kỷ lục mới 7,2500 lira/đô la và hơn thế nữa”, Brad Betchel, người đứng đầu khối kinh doanh ngoại hối tại Jefferies LLC, cho biết trong một bản tin phân tích thị trường. “Các quan chức có vẻ tự tin khi can thiệp thị trường, nhưng thị trường bắt đầu nghĩ rằng việc can thiệp sẽ không có tác dụng”.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đối mặt nhiều thách thức trước khi bị virus corona tấn công. Giờ đây, sau gần hai năm đồng tiền suy yếu, nợ công cao và dự trữ ngoại tệ sụt giảm nhanh chóng, đất nước 82 triệu dân này đang ở một tình thế đặc biệt khó khăn để vượt qua đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt gần 14% trong tháng 1, trước khi nền kinh tế cảm nhận được tác động của dịch Covid-19, và ngành công nghiệp du lịch khổng lồ của đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư đã báo cáo 129.491 ca lây nhiễm virus corona và 3.520 trường hợp tử vong. Mức độ lây nhiễm lên tới đỉnh điểm hơn 4.000 ca mới mỗi ngày đến giữa tháng 4, trước khi bắt đầu giảm dần và hiện ở mức hơn 2.000 ca lây nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào giữa tháng 4 đã từ chối đề nghị giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, quyết định được một nhà phân tích thị trường mới nổi gọi là “ngốc nghếch” vì khi đó các nhà kinh tế nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu nguồn lực kinh tế và tài chính cần thiết để chống lại đà suy thoái.
Ngược lại, Tổng thống Erdogan đã nhiều lần chỉ trích các nhà phê bình và khẳng định rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rất kiên cường.
Sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào đồng lira cũng bắt nguồn từ sự không chắc chắn đối với khả năng thay đổi tình thế hiện nay của nó, liên quan đến công cụ hoán đổi tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hoán đổi tiền tệ với đồng đô la dường như không thể thực hiện được. Fed đã thông các thỏa thuận hoán đổi đô la cho một số quốc gia vào tháng 3, bao gồm Mexico và Brazil, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong số đó.
“Fed vẫn miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về hoán đổi đô la chỉ vì mức độ chính trị hóa cao của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ”, Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, nói.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây được nhìn nhận ngày bị chi phối bởi Tổng thống Erdogan – điều gây quan ngại cho các nhà đầu tư và làm suy yếu niềm tin vào sự độc lập của cơ quan quản lý tiền tệ.
“Lira sẽ tiếp tục suy yếu khi mà các nhà đầu tư vẫn hoài khi về độ tin cậy của ngân hàng trung ương và khả năng duy trì sự ổn định tiền tệ của họ”, theo Demarais.
Economist Intelligence Unit hồi tháng Tư đã dự báo sẽ có một cuộc suy thoái kéo dài cả năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, với ngành du lịch quy mô lớn sẽ sụp đổ – và điều này gây áp lực kép lên cả thâm ngân sách và đồng lira vốn đã mong manh, đến lượt nó sẽ thổi bùng lên lạm phát.
Đồng lira có khả năng tiếp tục giảm giá trị xuống mức thấp kỷ lục mới, các nhà phân tích cảnh báo.
“Có thể dự đoán đồng lira sẽ mất giá nhiều hơn nữa trong năm nay, khi việc mở rộng tín dụng vẫn đang tiếp tục diễn ra, thâm hụt tài khoản vãng lai tăng và ngân hàng trung ương vẫn không thể khôi phục uy tín của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, Demarais nói.
Theo Thời báo Ngân hàng