Hôm thứ Tư, Chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo lạm phát tháng 9 cho thấy áp lực giá hàng hóa vẫn ở mức rất cao.
Vào tháng 7 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng đạt đỉnh 5,4% và sau đó giảm xuống 5,3% vào tháng 8. Báo cáo hôm 13/10 cho thấy áp lực lạm phát hiện đã quay trở lại mức 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo của Dow Jones là 5,3%.
Áp lực lạm phát tại Mỹ một lần nữa ở mức cao nhất trong 30 năm qua. Quan trọng hơn là, lạm phát đang vượt xa mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang. Nhiệm vụ kép của Cục Dự trữ Liên bang là duy trì việc làm tối đa và tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%. Mức CPI gần đây đã cao hơn gấp đôi so với mức Fed kì vọng. Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ chỉ ra CPI tháng 9 đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, gần đây Cục Dự trữ Liên bang đã điều chỉnh nhiệm vụ kép của mình để tập trung vào việc làm tối đa và chấp nhận lạm phát tăng cao hơn mục tiêu 2% của họ. Góc nhìn của Cục Dự trữ Liên bang là phần lớn áp lực lạm phát hiện tại có tính chất nhất thời và sẽ giảm bớt trong một thời gian tương đối ngắn.
Theo MarketWatch:
Dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến của Hoa Kỳ trong tháng 9 khiến thị trường trái phiếu hiện đang xem xét nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong một nền kinh tế trì trệ với mức tăng lãi suất cao hơn liên tục.
Cục Dự trữ Liên bang rất có thể đã đúng khi dự đoán rằng một số thành phần nhất định của hàng hóa và dịch vụ đối mặt với áp lực lạm phát nhất thời do thiếu hụt nguồn cung và lao động. Nhưng vấn đề thực sự là chi phí lương thực và năng lượng ngày càng tăng. Nhiều nhà phân tích tin rằng chi phí năng lượng và thực phẩm có thể tiếp tục tăng và tạo ra lạm phát có tính hệ thống và kéo dài. Giá xăng đã tăng 1,2% trong tháng, dẫn đến mức tăng hàng năm là 42,1%. Trong tháng 9, giá lương thực cũng có mức tăng đáng kể khi tăng 1,2% và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mối quan tâm về lạm phát gia tăng và sự kiên trì của Cục Dự trữ Liên bang rằng lạm phát là tạm thời cũng là vấn đề mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo sát. Theo một bài báo trên CNBC:
Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng Fed và các đồng nghiệp toàn cầu của họ nên chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nếu lạm phát vẫn còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kiểm soát mức tăng giá.
Cũng có những thành viên của Cục Dự trữ Liên bang không tin rằng áp lực lạm phát hiện nay là nhất thời. Hôm thứ Ba, khi chủ tịch Fed Atlanta, Ralph Bostic, bình luận về các yếu tố đã tạo ra áp lực lạm phát, nhận định lạm phát cao hơn ‘sẽ không phải chỉ trong ngắn hạn’. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cũng bình luận về lo ngại của ông rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục. Ôn chia sẻ với CNBC rằng ông tin Cục Dự trữ Liên bang nên tích cực hơn trong việc rút hỗ trợ kinh tế, ‘giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng của họ’. Nếu lạm phát khẳng định là một vấn đề, ông cũng tin rằng điều đó sẽ đòi hỏi một đợt tăng lãi suất đầu tiên bắt đầu vào năm tới.
Giá vàng được hưởng lợi rất nhiều từ tin tức lạm phát với hợp đồng tương lai tháng 12/2021 tăng trên 34USD và chốt phiên trên 1790$.
Giả định của Cục Dự trữ Liên bang rằng sự gia tăng gần đây của áp lực lạm phát là tạm thời là một giả định nguy hiểm nếu chúng không chính xác. Họ đã tự vẽ cho mình vào một ngõ cụt. Họ sẽ không thể không gây ra đau đớn cho nền kinh tế nếu họ bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn họ dự đoán. Rõ ràng là nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi, tốc độ phục hồi này chậm hơn nhiều so với dự đoán của họ.
Giavang.net