29 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Lạm phát của Đức tăng lên mức cao nhất trong 10 năm

Do giá nhiên liệu tăng và những tác động liên quan đến đại dịch COVID-19, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Người dân đi mua sắm ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 31/5, giá tiêu dùng tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi Đức phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19 và tăng khoảng 0,5% so với tháng 4. Lần gần nhất lạm phát chạm mức này là vào tháng 9/2011.

Lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm, một phần là do việc áp dụng thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế bán hàng kéo dài 6 tháng nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Destatis cho biết mức tăng lạm phát đột biến trong tháng 5 chủ yếu do giá năng lượng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm tăng 1,5%, còn lĩnh vực dịch vụ ghi nhận mức tăng 2,2%.

Nếu tính theo Chỉ số hài hòa giá tiêu dùng (HICP) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lạm phát của Đức đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu lạm phát “gần bằng, nhưng dưới 2%” của ECB. 

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhiều lần nói rằng lạm phát cao hơn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần đây chủ yếu là do “các yếu tố tạm thời” liên quan đến đại dịch và sẽ không thúc giục ECB sớm thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Trong khi đó, nhà phân tích Elmar Voelker của ngân hàng LBBW nhận định lạm phát tăng vọt trong tháng 5 “không phải là một điều bất ngờ” và tỷ lệ này có thể vượt mốc 3% vào mùa Hè.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng lên mức tương đương 9,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 do các biện pháp tốn kém để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đối với các hoạt động kinh tế.

Trước đó, Chính phủ Pháp đã ước tính mức thâm hụt ngân sách trong năm nay là 9%. Quyết định điều chỉnh trên là kết quả của nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau để giúp các ngành chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tạm hoãn một số khoản kinh phí từ năm 2020 sang năm 2021, cũng như chi phí liên quan đến đầu tư và khởi động các hoạt động kinh tế.

Kể từ giữa tháng 3/2020, Pháp đã thực hiện một gói các biện pháp, bao gồm khoản hỗ trợ của chính phủ, khoản vay do nhà nước bảo lãnh, hoãn nộp thuế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Các biện pháp hỗ trợ này đã tiêu tốn 450 tỷ euro (549 tỷ USD), tương đương 20% GDP của cả nước.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Le Maire đã tỏ ra lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, với dự kiến GDP trở lại mức bình thường vào năm 2022.

Theo ông Le Maire, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay sau khi giảm 8% trong năm 2020.

Theo Bnews

Tin liên quan

Đang tải....