Lần đầu tiên sau 8 năm, Nga vượt qua Saudi Arabia, trở thành quốc gia dự trữ lớn vàng và ngoại hối thứ tư thế giới.
Bloomberg mới đây đã xếp hạng Nga là quốc gia có mức dự trữ vàng và ngoại hối lớn thứ 4 thế giới, vượt Saudi Arabia và chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ.
Kho dự trữ tăng trưởng đều đặn sẽ giúp Nga gia tăng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ổn định tiền tệ quốc gia, đồng rúp, ngay cả trong trường hợp giá dầu giảm mạnh, tạp chí Anh đánh giá.
Dự trữ ngoại tệ, kim loại quý và các chứng khoán khác của Nga đã tăng 45% trong 4 năm qua. Dữ liệu do Ngân hàng Trung ướng Nga công bố cho thấy, con số này là khoảng 520 tỷ USD, tính đến cuối tháng 7.
Trong vài năm qua, Nga đã liên tục dự trữ vàng, trở thành người mua kim loại vàng lớn nhất thế giới trong quý đầu tiên của năm 2019, đồng thời giảm mạnh việc nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ nhằm giảm tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Tranh chấp thương mại chưa được giải quyết giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, thúc đẩy giá vàng tăng chóng mặt. Giá vàng hồi ngày 16/8 đã bật tăng trở lại mốc 1.530 USD/oz từ mốc 1.280 USD/oz hồi đầu tháng 6 đã đẩy dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nga tăng lên 527,1 tỷ USD.
Giá của kim loại quý dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn cầu sắp xảy ra: cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, Brexit, khủng hoảng chính trị ở Venezuela, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông (Trung Quốc), căng thẳng leo thang ở Iran, tình hình mới giữa Ấn Độ và Pakistan trên khu vực tranh chấp Kashmir…
Thêm nữa, hiện tượng thị trường trái phiếu kỳ lạ tại Mỹ vào giữa tuần trước: lãi suất trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ ở dưới mức lãi suất kỳ hạn 2 năm cũng gây tâm lý bất an. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư gửi tiền vào Kho bạc Mỹ càng lâu càng bất lợi.
Sự đảo ngược lãi suất này càng khiến giới đầu tư tin vào tình trạng suy thoái kinh tế sẽ sớm xảy ra tại Mỹ. Hiện tượng lãi suất này đã từng được quan sát thấy vào tháng 12/2005, 2 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế sau đó.
Nga cũng như nhiều nhà đầu tư khác sẽ không sẵn sàng chấp nhận một rủi ro như vậy. Cách đơn giản nhất là chuyển tiền từ trái phiếu sang vàng, thúc đẩy nhu cầu về kim loại quý và đẩy giá lên cao.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Julius Baer có trụ sở tại Thụy Sĩ tin rằng trong 3 tháng tới, vàng sẽ tăng giá lên tới 1.575 USD mỗi ounce.
Đáng nói, Nga đã nhận ra các dấu hiệu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái từ sớm và giảm nhanh chóng số trái phiếu Kho bạc Mỹ mà họ nắm giữ, đồng thời thực hiện chiến lược tăng dự trữ vàng đã duy trì từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền.
Tổng trữ lượng vàng của Nga cho đến nay đã đảm bảo cho nước này vượt Saudi Arabia, đứng vị trí thứ 4 thế giới.
Bloomberg trích dẫn Elina Ribakova – Phó Viện trưởng Viện Tài chính Quốc tế ở Washington đánh giá, với giá trị kho dự trữ ngày càng tăng lên, OPEC sẽ không còn khả năng bỏ ngoài tai các ý kiến của Nga. Nga đã trở nên đặc biệt quan trọng trong vai trò là một nhà xuất khẩu dầu mỏ có nền kinh tế ổn định.
Theo ĐV