27 C
Hanoi
24/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Kinh tế thế giới: Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái vào cuối năm; Đức có thể sẽ triển khai thêm gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát

Theo đánh giá của các chuyên gia Tổ chức tư vấn kinh tế Conference Board, nguy cơ nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với một đợt suy thoái mới đang ngày càng gia tăng.

Chỉ số kinh tế hàng đầu, chỉ số tổng hợp 10 chỉ tiêu kinh tế cơ bản để dự báo thay đổi trong chu kỳ kinh tế, của Mỹ tiếp tục giảm 0,4% trong tháng 7 so với mức giảm 0,7% trong tháng 6 trước đó và cũng là tháng thứ 5 sụt giảm liên tục.

Sự bi quan của người tiêu dùng, biến động của thị trường cổ phiếu, thị trường lao động, xây dựng nhà ở và đơn đặt hàng mới tăng trưởng chậm cho thấy xu hướng suy yếu gia tăng và lan rộng hơn trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Dự kiến, kinh tế Mỹ sẽ không tăng trưởng trong quý III và suy thoái nhẹ trong quý IV hoặc quý I năm 2023.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng nhận định, đang có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu khi thị trường nhà ở, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và sản xuất đã giảm tốc sau khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. Nhận định này cũng tiêu cực hơn so với nhận định trước đó của Fed và giới chức Mỹ rằng nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay.

Một số chuyên gia kinh tế Mỹ lại cho rằng việc tranh cãi suy thoái hay không không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều mà chính phủ Mỹ cần làm là đánh giá điều kiện kinh tế hiện nay ảnh hưởng tiêu cực như thế nào nào đến người nghèo, những người dễ bị tổn thương và tìm ra giải pháp hỗ trợ.

Đức có thể sẽ triển khai thêm gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, nước này có thể triển khai thêm một gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến chính sách “phanh nợ”.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner

Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết triển khai nhiều biện pháp hơn để giúp bù đắp chi phí lương thực và năng lượng tăng cao mà không ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP.

Trả lời phỏng vấn của tờ Rheinische Post, khi được hỏi về giá trị gói cứu trợ chống lạm phát trong điều kiện vẫn đảm bảo giới hạn thâm hụt ngân sách, ông Lindner tiết lộ mức “hai chữ số” tỷ USD là hoàn toàn khả dĩ. Theo ông Lindner, gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như “viện trợ kinh tế có trọng điểm” cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.

Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa Đông. Đức đã nhiều lần cam kết sẽ khôi phục “phanh nợ” (một điều khoản khẩn cấp được ghi trong hiến pháp) vào năm 2023, sau 3 năm tạm đình chỉ do đại dịch Covid-19.

Trong các cuộc đàm phán liên minh vào năm ngoái với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông Lindner thể hiện rõ ý định đưa Đức trở lại với chính sách kỷ luật tài khóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng trầm trọng của Đức, một số thành viên của đảng Xanh và SPD đã kêu gọi kéo dài việc đình chỉ kỷ luật tài khóa.

Đầu năm nay, chính phủ đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ euro để giúp người tiêu dùng ứng phó với lạm phát, bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu và phát hành vé giao thông công cộng giá rẻ dùng từ tháng 6 đến tháng 8.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....