Theo nghị định ban hành quy định về khung giá đất mới, áp dụng cho 5 năm tới với mức tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên 162 triệu đồng/m2.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP về khung giá đất đối với từng loại đất, theo từng vùng. Theo đó, khung giá đất được chia thành 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp.
Đặc biệt, khung giá đất ở của 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và mức tối đa lên tới 162 triệu đồng/m2. Khung giá đất ở thấp nhất cả nước là tại đô thị loại V vùng Bắc Trung Bộ với mức tối thiểu chỉ 40.000 đồng/m2.
Khung giá đất sẽ được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Trên cơ sở đó để căn cứ tình hình thực tế tại địa phương điều chỉnh mức giá đất tối đa trong bảng giá đất. Bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Bộ TN-MT đã điều tra giá đất tại 672 xã trên địa bàn 84 huyện, thị xã thuộc 21 tỉnh, thành phố để làm cơ sở xây dựng dự thảo khung giá đất trình Chính phủ. Khung giá đất của Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được ban hành bảng giá đất với mức giá tối đa cao hơn không quá 20% mức giá tối đa của cùng loại đất theo khung giá.
Khung giá đất và bảng giá đất do Nhà nước ban hành không ảnh hưởng đến việc xác định giá đất cụ thể nên không gây thất thoát trong tính tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, tính giá trị sử dụng đất trong sắp xếp, xử lý tài sản công.
Và đặc biệt, bảng giá đất của Nhà nước không được dùng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nên không ảnh hưởng đến người dân bị di dời để thực hiện các dự án.
Trong khi đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng, điểm bất hợp lý hiện nay là quy định của Chính phủ về mức tăng giá đất trong từng giai đoạn đang được giới hạn ở một mức độ nhất định. Xuất phát từ việc khung giá đất được điều chỉnh chưa sát với thực tế nên đã xảy ra những vấn đề tiêu cực. Tình trạng doanh nghiệp trục lợi và việc trốn thuế tại các giao dịch bất động sản xảy ra khi khung giá đất thấp hơn giá thị trường.
Thông qua kẽ hở này khi tiến hành các giao dịch bất động sản, mặc dù giá chuyển nhượng ở mức cao, nhưng khi làm hồ sơ công chứng các chủ sở hữu (bao gồm cả doanh nghiệp) thường để mức thấp nhất, bằng với mức giá của khung quy định, để giảm một phần lớn phần thuế phải đóng cho Nhà nước. “Cơ quan quản lý lo lắng việc tăng khung giá đất sẽ làm cho giá bất động sản tăng, nhưng theo tôi vấn đề này về lâu dài thì không lo ngại. Việc tăng khung giá đất sẽ làm các khoản thuế phải đóng cao hơn, vì vậy việc đầu cơ bất động sản sẽ giảm đi do lợi nhuận thấp, về lâu dài việc đầu cơ giảm thì giá của thị trường sẽ bình ổn, thậm chí có thể sẽ giảm” – GS. Đặng Hùng Võ nhận định.
Người dân khó có cơ hội mua nhà
Nhiều chuyên gia cho rằng, khung giá đất mới từ 2020-2024 tăng sẽ tác động nhiều đến giá cả thị trường, chi phí đầu vào sản phẩm bất động sản cao hơn, kéo theo giá nhà tăng và giấc mơ mua nhà của họ ngày càng xa vời.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu, cho rằng giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Nói về tác động thị trường từ quy định trên đối với giá đất tại các địa phương, bà Trần Thị Khánh Linh – Trưởng bộ phận Định giá Savills TP.HCM phân tích: “Nếu theo Luật Đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.
Giavang.net tổng hợp